Thứ Năm, 09/07/2020, 11:35 (GMT+7)
.

Cán đích mục tiêu phát triển doanh nghiệp

(ABO) Một điều cần phải khẳng định ngay rằng, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tính đến tháng 6-2020 đã vượt qua chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 27-12-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Bởi Nghị quyết 06-NQ/TU đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 5.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng đến nay toàn tỉnh có hơn 5.800 doanh nghiệp.

Lần đầu tiên Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành một nghị quyết mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo nên động lực lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết 06-NQ/TU có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành.

Nghị quyết 06-NQ/TU tạo thêm luồng gió mới trong hỗ trợ và phát triển DN.
Nghị quyết 06-NQ/TU tạo thêm luồng gió mới trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Thật ra, để đạt được mục tiêu 5.000 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đặt ra trong Nghị quyết 06-NQ/TU không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU vào ngày 3-3-2017, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, trước nay công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ yếu do bên khối chính quyền thực hiện.

Nghị quyết 06-NQ/TU lần này đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia, tạo nên những sức bật mới trong phát triển doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.

Và một trong những điểm mấu chốt nằm trong Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU là UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đối với từng huyện, thị, thành. Chưa hết, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp còn gắn với chỉ tiêu thi đua, khen thưởng của từng địa phương trong từng năm.

Từ đòi hỏi của thực tiễn, Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy cũng đặt ra mục tiêu là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý; tham gia tích cực vào chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, đặc trưng và có lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Từ nền tảng chung đó, công bằng mà nói, chưa bao giờ không khí khởi nghiệp, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ như thời gian gần đây.

Con số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng nhanh trong những năm gần đây cho thấy, diện mạo môi trường đầu tư của Tiền Giang có nhiều điểm sáng. Con số cụ thể cho thấy, nếu như năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 560 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2017 là 670 doanh nghiệp, đến năm 2019 có đến 750 doanh nghiệp thành lập mới, 6 tháng đầu năm 2020 số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Tiền Giang tiếp tục tăng thêm 350 doanh nghiệp; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Tiền Giang hiện có trên 5.800 doanh nghiệp.

Như vậy, với số doanh nghiệp hiện đang hoạt động chỉ tính đến cuối năm 2019 đã “cán đích” sớm so với Nghị quyết 06-NQ/TU đặt ra, với mục tiêu đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những dấu son của kinh tế Tiền Giang trong chặng đường vừa qua.

Kết quả về số lượng doanh nghiệp thành lập mới cho thấy những chuyển biến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang. Điểm nhấn đáng kể liên quan đến khởi sự kinh doanh là đến nay tỉnh Tiền Giang tiếp tục giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp không quá 15 ngày (Luật quy định 35 ngày) khi nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với các dự án trong khu, cụm công nghiệp là 9 ngày; tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tối đa 2 ngày làm việc (quy định 3 ngày).

Chưa kể, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng công tác nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ trong việc hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định…

Dù “cán đích” về số lượng doanh nghiệp hoạt động, nhưng vẫn còn nhiều mục tiêu cần phải hướng đến. Bởi mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang cũng rất rõ ràng là đến năm 2020, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho 200.000 lao động; tổng vốn đầu tư trong 5 năm (2016 - 2020) của khu vực doanh nghiệp thực hiện từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng, chiến khoảng 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, phấn đấu đến năm 2020, xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong tốp 30 của cả nước. Còn theo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh Tiền Giang, đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi so với cuối năm 2016, tức là xấp xỉ 6.400 doanh nghiệp…

ANH PHƯƠNG

.
.
.