.

Tin giả, nỗi lo thật

Cập nhật: 11:29, 05/08/2020 (GMT+7)

(ABO) Câu chuyện chủ tài khoản Facebook V.T.T.H. vừa bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân một lần nữa dấy lên tình trạng tin giả đã và đang xuất hiện không ít trên mạng xã hội.

 

Câu chuyện tin giả này được cho là dẫn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với nội dung: “Nếu ai đó có ý định đi du lịch khi vé đang rẻ thì hãy suy nghĩ lại bằng sự thấu đáo của mình. Tình hình đang rất căng thẳng, lúc này nếu rảnh làm ơn hãy ngồi yên một chỗ. Y tế của mình giỏi nhưng điều kiện mình yếu lắm. Bây giờ mà bùng dịch mình không chống đỡ được đâu...”. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt và người chia sẻ thông tin này đã bị xử lý theo pháp luật.

Thông tin giả xuất hiện trên mạng xã hội.
Thông tin giả xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, những thông tin liên quan đến dịch bệnh như chủ tài khoản V.T.T.H. chia sẻ đã tạo nên mối lo thật đối với người dân. Đó là điều rất nguy hiểm, bởi trên thực tế theo các con số thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng các mạng xã hội Việt hiện đạt mức 73 triệu, đứng đầu là Zalo với gần 52 triệu người dùng tại thị trường Việt, tiếp đến là các mạng xã hội khác. Chưa kể, hiện tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet chiếm khoảng 60% dân số, trong khi đó tỷ lệ người dùng Facebook tại Việt Nam cũng đã tương ứng với mức này.

 

Với số lượng người sử dụng mạng xã hội lớn như thế nên bất kỳ thông tin nào dù thật hay giả đều được lan truyền một cách rất nhanh chóng. Thật ra, tin giả trên mạng xã hội đã xuất hiện khá nhiều, nhất là vào những đợt cao điểm như dịch bệnh, thiên tai, tai nạn… gây nên không ít hoang mang cho người sử dụng. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, tin giả lại có đất để “nảy mầm”.

 

Chẳng hạn, thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin như “Covid-19 phát tán qua mạng 5G”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, “Ăn tỏi để không bị nhiễm Covid-19”… Đó là những thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

 

Tin giả vô tình tạo nên nỗi lo thật. Chính vì vậy, ngay trong đợt dịch Covid-19 đang diễn ra, muốn chống dịch bệnh hiệu quả, bên cạnh các giải pháp của ngành Y tế thì việc chống tin giả, tin xấu trên mạng xã hội cũng cần được xử lý triệt để.

Người dân cần tỉnh táo khi dùng mạng xã hội.
Người dân cần tỉnh táo khi dùng mạng xã hội.

Ý thức, sự tỉnh táo của người dùng mạng xã hội là liều “vắc xin” hiệu quả chống lại tin giả. Còn về phương diện pháp lý, những người đưa tin giả sẽ bị xử lý pháp luật. Bởi, Điều 8, Điều 9 Luật An ninh mạng đã quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi đưa tin giả, tin xấu.

 

Gần đây nhất, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng quy định những cá nhân, tổ chức đưa các thông tin giả, tin xấu có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định phạt tù từ 1 - 7 năm đối với người đưa tin giả.

 

Căn cứ pháp lý xử lý tin giả, tin xấu là không thiếu nhưng điều quan trọng là người dân cần tẩy chay tin giả, không cho tin giả có đất sống. Chúng ta phải lấy tin tốt, tin chính xác có kiểm chứng để đẩy lùi tin giả. Đó là cách lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối.

T.A

.
.
.