Bình tĩnh trong hoạn nạn
Chia sẻ với mất mát, hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho đồng bào đang chịu thiên tai ở miền Trung là câu chuyện đẹp trong cả nước những ngày qua. Song, đáng buồn bên cạnh đó còn những câu chuyện để lại những vết gợn đáng suy ngẫm.
Một nhóm từ thiện vận chuyển hàng cứu trợ tại miền Trung. |
Tin giả tiếp diễn
Câu chuyện fake news (tin giả) ăn theo những sự kiện thời sự đang được quan tâm không mới. Trước đó đã có hàng loạt tin giả gây nhiễu loạn thông tin về dịch Covid-19 trong cộng đồng, khiến nhiều người bức xúc. Mặc dù đã có những quy định xử phạt về đăng tin giả, nhưng một số bạn trẻ vì mục đích câu view hay lượt thích bất chấp tiếp tay cho những tin này.
Trong câu chuyện mưa lũ ở miền Trung, nạn tin giả lại tiếp tục tràn lan. Gần nhất là hình ảnh người mẹ ôm con bị vùi trong bùn, được nhiều tài khoản chia sẻ và dùng đó để đánh vào lòng thương cảm, kêu gọi đóng góp từ nhiều người. Thậm chí có hẳn những fanpage mạo danh một nữ ca sĩ nổi tiếng để kêu gọi đóng góp. Qua xác thực, đó chỉ là hình ảnh một bức phù điêu bằng đất sét ở Trung Quốc, hoàn toàn không phải là câu chuyện xảy ra ở tỉnh Quảng Trị trong những ngày mưa lũ vừa qua, như nhiều bài viết đăng tải trên mạng xã hội.
Bức xúc trước tin giả lan truyền rất nhanh, Nguyễn Tấn An (26 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 8) cho biết: “Tôi thấy nhiều bạn chỉ nhìn hình ảnh rồi xót xa, lập tức chia sẻ, kêu gọi mọi người đóng góp mà hoàn toàn không kiểm chứng lại nguồn gốc hình ảnh từ đâu. Tôi được công ty giao thêm phần quản lý fanpage, nên tranh thủ đăng tin chính thống lên đây để trước mắt là nhân viên trong công ty hiểu, không bị tin giả dắt mũi”.
Mạng xã hội vài phút lại một hình ảnh, bài viết về lũ lụt ở miền Trung, hình ảnh, video mênh mông dòng nước lũ... được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Bức xúc trước hình ảnh của nhóm từ thiện bị lợi dụng, chị Thanh Phương (25 tuổi, thành viên nhóm từ thiện Từ Tâm, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Trong nhóm từ thiện của tôi có cử 5 thành viên ra miền Trung để hỗ trợ bà con. Hình ảnh, video tôi đăng lên để vận động quyên góp là do các thành viên ngoài đó gửi về, vậy mà lúc sau kiểm tra lại thấy có người khác lấy hình ảnh, video kêu gọi đóng góp qua tài khoản ngân hàng cá nhân của họ chứ không phải của nhóm tôi. Vài người chuyển tiền ủng hộ đã bị nhầm, nên tôi phải đăng tin cảnh báo”.
Kêu gọi không phải khiêu khích
Số tiền đóng góp cho miền Trung được nhiều đơn vị, nhóm từ thiện cập nhật liên tục tăng, khiến những người chung sức chung lòng ấy càng mừng vì hỗ trợ được nhiều cho bà con vùng lũ. Tuy nhiên, cao quý hơn hết là tấm lòng tương thân tương ái chứ không phải số tiền mà mỗi người đóng góp bao nhiêu. Nhiều văn nghệ sĩ vừa đăng tin kêu gọi hỗ trợ miền Trung, ngay lập tức nhiều tài khoản để lại các bình luận khiêu khích: “Tới bây giờ mới kêu gọi”, “Nghệ sĩ nổi tiếng mà góp có nhiêu đó”, “Sao không ra miền Trung như ca sĩ…”, “Giàu quá mà ủng hộ keo kiệt”… Những bình luận này không chỉ giới nghệ sĩ, mà nhiều người trong cộng đồng bức xúc lên án.
“Hiện tại, nhóm tôi chưa có thành viên ra miền Trung, chúng tôi chỉ liên hệ với một số chính quyền xã, huyện ngoài đó rồi chuyển tiền ủng hộ thôi. Nhóm cũng đã khóa bài đăng kêu gọi, vì có nhiều bạn vào bình luận chê ít nhiều rất khó chịu. Trước mắt, nhóm trích quỹ nội bộ và các thành viên tự đóng góp với nhau chứ chưa dám kêu gọi bên ngoài”, anh Lê Quốc Bảo (34 tuổi, kinh doanh gas, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.
Một câu chuyện khác khiến nhiều người không khỏi bức xúc trong vài ngày qua là chuyện phê phán việc tặng hoa ngày 20-10, hoặc không chia sẻ hình ảnh lũ lụt về miền Trung trên trang cá nhân. Trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ để lại bình luận: “Tặng hoa trong lúc này, bộ không biết vô cảm hả”; “Toàn đăng hình mình, không biết chia sẻ hình ảnh lũ lụt ở miền Trung”…
Có lẽ vô cảm hay không vô cảm, không nằm ở một cành hồng hay vài hình chia sẻ lên trang cá nhân, mà nó nằm ở chính cách mà chúng ta hành động vì cộng đồng. Không phải cứ góp thật nhiều tiền thì mới quý, lặn lội ra tận miền Trung mới là nghĩa đồng bào, hay chia sẻ liên tục hình ảnh lũ lụt mới là cao đẹp… Sự chia sẻ có giá trị nhất là kịp thời và nó cao đẹp hơn chính là tấm lòng tương thân tương ái, cho đi mà không toan tính.
Và dù thiên tai hay hoạn nạn thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chúng ta ủng hộ miền Trung nhưng không có nghĩa là những nơi khác phải dừng tất cả các hoạt động. Mạng xã hội - một sức mạnh đáng kể trong thời đại 4.0, khi tham gia vào không gian đa chiều này, nhất là bạn trẻ, hãy dùng nó để lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp yêu thương. Đừng lợi dụng việc cách nhau một màn hình mà buông lời nặng nhẹ, không gian ảo nhưng tổn thương là thật. Và ở góc độ pháp luật, người đăng tin giả trên mạng xã hội sẽ chịu trách nhiệm và có thể bị xử phạt theo quy định.
(Theo https://www.sggp.org.vn/binh-tinh-trong-hoan-nan-693427.html)