.

Khúc tráng ca khởi nghĩa Nam kỳ vẫn còn vang vọng mãi…

Cập nhật: 20:35, 18/11/2020 (GMT+7)

(ABO) 80 năm đã trôi qua, nhưng ngày 23-11-1940 - Ngày Nam kỳ khởi nghĩa - mãi mãi là cột mốc sừng sững bất diệt trong dòng chảy của thời gian, là dấu son chói lọi trong thiên sử hào hùng của dân tộc ta.

80 năm đã trôi qua, thời gian có thể làm rêu phong, phủ mờ một số vết tích trong quá khứ, nhưng những ánh đuốc trong đêm khởi nghĩa Nam kỳ vẫn mãi mãi là ngọn lửa hào hùng, luôn được thắp lên và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

80 năm đã trôi qua, nhưng thế hệ chúng tôi - những người trưởng thành sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975 vẫn luôn lần giở từng trang sử của dân tộc để nhắc nhớ bản thân, để tinh thần cùng với hào khí khởi nghĩa Nam kỳ truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa khát vọng độc lập, tự do, để hun đúc ý chí, niềm tin, từ đó ra sức nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với bao xương máu của cha ông, của đồng bào đã đổ xuống cho nền độc lập, tự do hôm nay.

Nhìn về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, chúng ta sẽ tự hào nhưng cũng không thể không bùi ngùi, lắng đọng trong suy nghĩ. Tự hào là vì đêm 22 rạng sáng ngày 23-11-1940 ở nhiều tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đồng loạt nổ ra; dân chúng ở hầu hết các tỉnh đã đứng lên dưới lá cờ của nghĩa quân miền Nam, với tất cả khát vọng về tự do và độc lập cho xứ sở.

a
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tại đình Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), tại quận Châu Thành, hàng chục ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp tỏa khắp nơi trong tỉnh với cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, trống, mõ tre cùng vũ khí giáo mác, tầm vông vạt nhọn nhất tề nổi dậy đánh chiếm đồn bót, đốt phá nhà việc, điếm canh, giải tán ban hội tề. Tại đình Long Hưng, quận Châu Thành, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, lá cờ đỏ tung bay phấp phới trên ngọn cây bàng cao chót vót đầy kiêu hãnh dưới bầu trời tự do, biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do.

Còn bùi ngùi, lắng đọng là vì quân Pháp dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Thực dân Pháp mở chiến dịch lùng sục, bắt bớ hàng loạt chiến sĩ cách mạng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nòng cốt bị xử tử, chết trong tù, hoặc bị đày ra Côn Ðảo, bị giam trong các trại tập trung ở Bà Rá, Tà Lài... Từ khi Pháp xâm chiếm nước ta, chưa có cuộc nổi dậy đấu tranh nào bị thực dân Pháp xử tử hình, tù chung thân và các loại tù khác nhiều như cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đành rằng cuộc sống phải luôn nhìn về phía trước, hướng đến tương lai, nhưng đôi khi chúng ta cũng phải nhìn về quá khứ để thấy cha ông ta đã kiên trung, bất khuất như thế nào, từ đó biết mình phải làm gì để xứng đáng là đội ngũ kế thừa. Một quá khứ hào hùng sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn!

Và chúng ta phải tiếp nối, phải không ngừng thắp lên để ngọn lửa hào hùng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói riêng và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc nói chung cháy mãi, cháy mãi cùng với thời gian. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân nước Việt.

Mặc dù đã 80 năm trôi qua, nhưng thanh âm của khúc tráng ca khởi nghĩa Nam kỳ vẫn còn vang vọng mãi…

THIÊN LÊ


 

.
.
.