.

Nghĩ về một năm đầy biến động

Cập nhật: 06:14, 12/03/2021 (GMT+7)

(ABO) Vậy là đúng 1 năm kể từ ngày 11-3-2020, trong buổi họp báo về Covid-19 tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO chính thức công bố đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Đúng 1 năm, thế giới đã trải qua quá nhiều biến đổi và thách thức.

Cuộc sống người dân trên toàn thế giới bị đảo lộn, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Số lượng người bị nhiễm Covid-19 thật sự mang lại nhiều mối lo lớn hơn cho cuộc sống hằng ngày của họ. Bởi theo thống kê trong những ngày gần đây, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 117 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 2,6 ca tử vong.

Đại dịch Covid-19 không chỉ dừng lại ở sức khỏe con người mà còn tác động rất lớn đến kinh tế của toàn thế giới. Bức tranh kinh tế thế giới được ghi nhận vào cuối năm 2020 hầu như đều ở mức tăng trưởng âm, rất ít có nền kinh tế tăng trưởng dương. Mức tàn phá của đại dịch Covid-19 thật sự kinh khủng và dường như chưa có điểm dừng.

Thói quen chi tiêu của người dân đã dần thay đổi sau dịch Covid-19.
Thói quen sinh hoạt, chi tiêu của người dân đã dần thay đổi sau dịch Covid-19.

Nhiều kịch bản cho tăng trưởng các nền kinh tế đã được dựng nên nhưng dường như cũng cần thời gian dài nữa mới trở lại quỹ đạo như chưa có dịch bệnh xảy ra. Việt Nam cũng nằm trong bức tranh chung đó. Những ngày bình thường mới của người dân Việt Nam cũng được nhắc đi nhắc lại sau nhiều đợt dịch bùng phát. Kịch bản hồi phục kinh tế đi kèm với phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã được xây dựng và triển khai.

Chiếc “lò xo” kinh tế nhiều lần bật lại hay cỗ xe “tam mã” cũng đã được tính toán, cân nhắc nhằm hướng đến mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa ổn định và phát triển kinh tế. Vậy mà, sau đúng 1 năm, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, những ngày bình thường mới cũng đang tiếp tục được chờ đón. Đó cũng là hy vọng rất lớn của người dân Việt Nam.

Đúng 1 năm từ ngày công bố đại dịch Covid-19, thế giới nói chung, người dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống người dân Việt Nam dường như đã chậm hơn. Họ đã thay đổi thói quen chi tiêu, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Nhưng hơn hết, tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy và phát huy một cách cao nhất có thể. Tình làng, nghĩa xóm thắt chặt hơn.

Nhìn một khía cạnh khác hơn, một năm qua thế giới cũng đã chứng kiến bước tiến đột phá của giới khoa học trong lĩnh vực vắc xin, tạo ra niềm hy vọng mới để thế giới có thể không chế, tiến đến chấm dứt đại dịch.

Điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực này là ngày 18-11-2020 đã đánh dấu mốc quan trọng, khi Pfizer/BioNTech ra thông báo cho biết, vắc xin do liên danh này nghiên cứu, phát triển có hiệu quả lên đến 95% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Và đến ngày 12-12-2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cấp phép cho vắc xin này, mở ra giai đoạn mới về đưa vắc xin ra thị trường, tạo điều kiện để các nước bắt tay triển khai chương trình tiêm chủng.

Nhờ đó, đến nay, trên toàn thế giới đã tiêm ngừa được hơn 328 triệu liều vắc xin, với tốc độ ngày một được đẩy nhanh, lên tới hàng triệu mũi/ngày. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực triển khai tiêm vắc xin cho người dân, đồng thời cũng đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin do chính Việt Nam sản xuất. Niềm hy vọng mới cũng bắt đầu tư đây.

Một năm sau ngày WHO công bố đại dịch Covid-19 thế giới đã bước sang một trang mới với quá nhiều gam màu. Trong bức tranh chung này, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực vươn lên và được ghi nhận là một trong những “điểm sáng” trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Thế nhưng, cuộc chiến này vẫn còn dài ở phía trước.

Vì lẽ đó, kịch bản để khôi phục lại nền kinh tế nói chung, bức tranh của từng tỉnh, thành nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để thích ứng nhanh với tình hình. Dĩ nhiên là những chiếc “lò xo” kinh tế cũng cần được bật mạnh hơn để bù đắp những khoản trống do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng đó là câu chuyện khó và cần nhiều thời gian cũng như nỗ lực không ngừng.

T.T

.
.
.