.

Thách thức "mở cửa"

Cập nhật: 17:26, 18/09/2021 (GMT+7)

(ABO) Câu chuyện đang được quan tâm hiện nay là phương án nới lỏng giãn cách, mở cửa sản xuất, kinh doanh một khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở các tỉnh, thành trọng điểm dịch Covid-19 hiện nay. Bởi trên thực tế, sức chịu đựng của khối doanh nghiệp cũng đã dần cạn kiệt do phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài.

Thế nhưng, việc “mở cửa” đã và đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với nhiều tỉnh, thành bởi trước sức ép của cộng đồng doanh nghiệp và nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn luôn hiện hữu. Thực tế đang đặt ra là không thể giãn cách xã hội một cách lâu dài nên “cánh cửa” chắc sẽ được mở từng phần là giải pháp mà nhiều tỉnh, thành phía Nam đã và đang tính đến.

Nhìn vào thực tiễn mới thấy, sức càn quét của dịch Covid-19 khủng khiếp đến mức nào. Nếu nhìn từ khía cạnh sản xuất, kinh doanh, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải “đóng băng” hoạt động sản xuất kinh doanh.

An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn là mục tiêu đang hướng đến.
An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn là mục tiêu đang hướng đến.

Số liệu thống kê ban đầu của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy, chỉ trong 3 tháng, từ tháng 6 đến 8-2021, có gần 10.000 doanh nghiệp tại ĐBSCL phải rời khỏi thị trường, trong khi trong 6 tháng đầu năm 2021 con số này chỉ trên 6.000 doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động gần như 90%. Kết quả khảo sát gần đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp ĐBSCL trong quý II-2021 đều giảm sút 40% - 50%, chỉ một nửa lượng doanh nghiệp đáp ứng được kế hoạch kinh doanh, sản xuất với 50% công suất.

Nhìn một cách thực tế hơn, thống kê từ VCCI chi nhánh Cần Thơ, hiện chỉ còn khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 doanh nghiệp tại ĐBSCL. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức” không thể khôi phục sản xuất nếu không được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

3 tháng qua, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đã khiến doanh nghiệp ĐBSCL thiệt hại nặng nề, nhất là từ giữa tháng 7, khi nhiều tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh tế bị đóng băng, tê liệt hoàn toàn và cần được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất sau thời gian dài “kiệt sức” vì chống chọi với dịch bệnh.

Tiền Giang cũng không nằm ngoài bức tranh chung của ĐBSCL khi hầu hết doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít thực hiện phương án 3 tại chỗ. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp Tiền Giang cần được sự hỗ trợ về nguồn lực cũng như giải pháp phòng, chống dịch an toàn để chuẩn bị bắt đầu cho một chu kỳ mới. Lúc này, các gói tài chính ưu đãi hay chính sách thuế cũng đã và đang được triển khai.

Tuy nhiên, an toàn cho phòng dịch, an toàn sản xuất mới là điều mà các doanh nghiệp lo lắng hơn. Đích đến mong muốn, ngoài các gói chính sách hỗ trợ, tiêm vắc xin cho lực lượng công nhân chắc chắn là điều mà các doanh nghiệp mong muốn. Bài toán này không chỉ khó đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà còn là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành đang tính toán phương án để nới lỏng giãn cách xã hội, để chuẩn bị bắt đầu cho một chu kỳ mới, chu kỳ sống chung với môi trường có dịch bệnh. Bởi, thông điệp mới được đưa ra là an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn.

T.T

.
.
.