.

Đã đến lúc mở cửa trường học

Cập nhật: 21:45, 08/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Đại dịch Covid-19 đã xuất hiện 2 năm và không biết bao giờ mới kết thúc. Việc học trực tuyến cũng đã kéo dài gần 1 năm qua, làm xáo trộn công tác giảng dạy cũng như học tập của thầy cô và học sinh cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin hiện nay, cùng với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp, các ngành, các địa phương, có lẽ giờ là thời điểm thích hợp để đón học sinh trở lại trường học một cách an toàn và hiệu quả.   

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa thông tin về tình hình học sinh đi học trở lại tại 63 tỉnh, thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, với khối mầm non và tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7 đến 14-2.

Khối THCS: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022. Trong đó, có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8-2. Khối THPT: 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào ngày 7-2. Các cơ sở giáo dục đại học: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14-2.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh nhắc nhở học sinh Trường THCS Phú Phong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Đến kiểm tra thực tế việc mở cửa trường học tại Trường THCS Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vào ngày 7-2, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã nhắc nhở học sinh nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. ẢNH: CAO THẮNG

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, có 169 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đồng loạt cho học sinh từ khối 7 đến 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 7-2. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên tỷ lệ học sinh đến trường khá cao, trên 98% thậm chí có trường đạt gần 100%. Số lượng học sinh đông, các trường đã siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. 

Dù khó tránh khỏi đâu đó còn tâm lý e ngại khi mở cửa trường học trở lại, song về tổng thể đây là một dấu mốc rất đáng mừng, thể hiện sự thích ứng chủ động và linh hoạt của chúng ta trong trạng thái “bình thường mới”. Nhìn ra thế giới, đón học sinh các cấp trở lại trường cũng là xu thế.

Tại Mỹ, thủ đô Washington D.C là nơi mới nhất học sinh tiểu học đi học trực tiếp. Học sinh tại hầu hết các nước châu Âu, tâm dịch Covid-19 thứ hai của thế giới, cũng đã đến trường. Tới đầu tháng 2-2022, có 65% số quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần. Ở Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore cho phép các trường có tỷ lệ tiêm vắc xin học sinh trên 85% học trực tiếp.    

Học trực tuyến tại nhà là giải pháp thích ứng hiệu quả trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Tuy nhiên, mô hình này cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên cho thấy, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.

Tại buổi giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần sáng 8-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã thông tin chuyên đề về việc mở cửa trường học. Theo đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu, vì ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng đối với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro về sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu. Mở cửa trường học trở lại là biện pháp tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để bắt đầu khắc phục tình trạng gián đoạn việc dạy - học.

Ở thời điểm này, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lớn và lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng rất cao. Theo Bộ Y tế, hiện nay trên 6,5 triệu học sinh từ 12 - 17 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ trên 90%; mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngành Y tế cũng đã có thuốc điều trị và kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống dịch cũng như gia tăng khả năng điều trị Covid-19.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn. Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Đây không phải chỉ là chuyện mở cửa trường học, mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến trường học trực tiếp vào ngày 7-2.
Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến trường học trực tiếp vào ngày 7-2. ẢNH: P. CÔNG

Thời gian qua, cùng với nhiều giải pháp được đặt ra để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên trong đại dịch cũng như triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở trường học trở lại bảo đảm an toàn. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết, khẩn trương và chu đáo để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất.

Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mở cửa trường học an toàn; trong đó nhiều cuộc họp, hội nghị đã được triển khai nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

Mở cửa trường học trở lại đòi hỏi không chỉ có sự chuẩn bị ở trường học mà cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp. Do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp; giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp, với “bục giảng và bảng đen phấn trắng”.    

Những ngày đầu đón học sinh trở lại trường học, cơ sở giáo dục cần phối hợp cơ sở y tế và cha mẹ học sinh cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý nhằm kịp thời tư vấn, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tổ chức các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới.

Một vấn đề hết sức quan trọng khác đó là ý thức phòng dịch. Hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguy cơ mắc bệnh vẫn luôn hiện hữu. Việc thực hiện các quy định 5K phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần được tuân thủ tuyệt đối.

An toàn cho học sinh vẫn là yếu tố hàng đầu khi mở cửa trường học. Theo đó, các trường học mở cửa trở lại phải đạt “Mức độ an toàn rất cao” theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch xử lý tình huống khi có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0; tổ chức tổng vệ sinh môi trường hằng ngày...

Như vậy là sau quãng thời gian dài đằng đẵng gần 1 năm học sinh cả nước phải xa mái trường và học trực tuyến vì dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tuần tới. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ với ngành Giáo dục, mà còn là dấu mốc mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta.

HỮU NGHỊ

.
.
.