.

Chống tham nhũng: Kiên quyết, kiên trì và "không có vùng cấm"

Cập nhật: 20:21, 02/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, thông tin về các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTU) luôn được dư luận quan tâm; bởi sau đó là những quyết định liên quan đến xử lý sai phạm của các cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đang giữ trọng trách.

a
Kỳ họp thứ 13 của UBKTTU. Ảnh: sggp.org.vn

Có những trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật nghe mà thấy đau lòng; nhưng rõ ràng đây là việc phải làm để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ trương trong sạch bộ máy, quyết xây dựng Đảng thật sự vững mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần có thông tin để người dân tin vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Và cuộc họp lần thứ 13 từ ngày 28 đến 31-3 vừa qua của UBKTTU cũng thế. Hai Ủy viên Trung ương Đảng: Một nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, một Bộ trưởng Bộ Y tế phải xem xét kỷ luật do buông lỏng lãnh đạo, liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á. Hay những cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Đây là điều dư luận chờ đợi từ lâu; bởi theo nhận định của UBKTTU: “Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính”.

Điển hình là trường hợp của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần bán chui cổ phiếu, gây xáo trộn thị trường chứng khoán Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Rõ ràng, việc ông Trịnh Văn Quyết bất chấp những quy định và "chẳng ngại" những án phạt hành chính chắc chắn có sự “lơ là” từ cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Trong sạch, minh bạch thị trường chứng khoán là quyết tâm của Đảng, Nhà nước để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư và việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng việc xem xét kỷ luật lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là biện pháp mạnh mẽ để thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh hơn.

a
Việc ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán gây rúng động dư luận. Ảnh: vietnamnet

Ngày 31-3 vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhắc đến việc xử lý nghiêm minh 3 vụ việc được xem là thách thức pháp luật; trong đó, có vụ thao túng thị trường chứng khoán. Đồng chí khẳng định, 4 cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Từ những kết luận kỷ luật của UBKTTU, qua phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng ta. Qua đó, cũng đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về việc chúng ta xử lý kỷ luật cán bộ, khởi tố các vụ án trong thời gian vừa qua.

Vẫn biết "cuộc chiến" phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo và trong xã hội là không hề đơn giản, cần có thời gian và quyết tâm; vì thế, cần phải làm “kiên quyết và kiên trì” và phải triển khai đồng bộ trên cơ sở kỷ luật Đảng, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ dư luận xã hội, sự kiểm tra giám sát của quần chúng nhân dân; làm thế nào để những người đang nắm quyền lực, quản lý tài sản của Nhà nước, nhân dân sẽ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

LÊ LONG HỒ
      







 

.
.
.