Covid 19, xăng dầu và nỗ lực của chúng ta
(ABO) Ngày 17-3 báo chí đưa tin vùng chuyên canh cà phê, tiêu ở tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông dân bỏ vườn chịu hạn, do chi phí xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới việc bơm tưới. Đây là một nét chấm phá trong bức tranh về tác động của giá xăng dầu lên đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân những ngày qua.
Xăng, dầu là mặt hàng quan trọng với đời sống người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 21-3 giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm, nhưng xem ra vẫn chưa thể làm "hạ nhiệt" thị trường, do giá xăng giảm khá nhẹ; và theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng trở lại.
Vì thế, chuyện người dân lo ngại lúc này là cơn “bão giá” đã manh nha xuất hiện từ sự “nhảy múa” của giá xăng dầu. Người lao động thì lo lắng khi giá cả sinh hoạt bắt đầu tăng, trong khi thu nhập vẫn không thay đổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu lao động thêm trầm trọng khi nhiều người chưa muốn trở lại thành phố, và số lao động khác cũng "rục rịch" chuyện trở về quê do giá cả sinh hoạt ở thành phố đang có xu hướng leo thang.
Các đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa đang nỗ lực giữ giá trước tác động của giá xăng, dầu. Ảnh: Minh Thành |
Do đó, các doanh nghiệp thêm “đau đầu” giải bài toán giữ chân người lao động để phục hồi sản xuất, bởi “bão Covid 19” vừa đi qua, “bão giá” lại đến; khó khăn chồng chất khó khăn trong nỗ lực khôi phục và duy trì sản xuất. Rõ ràng doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay cần có thông tin để “hiểu” nhau hơn và cảm thông chia sẻ cùng đồng hành vì lợi ích chung.
Điều người dân và các doanh nghiệp cần lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước cần linh hoạt trong điều hành, quản lý giá cả. Vẫn biết giá cả trong nước phải theo qui luật cung cầu của thị trường, nhưng cần kiểm tra để ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi “té nước theo.. xăng”, găm hàng, làm giá trục lợi bất chính từ biến động của giá xăng, dầu; đặc biệt là theo dõi những biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.
Người lao động và doanh nghiệp cần chia sẻ để đồng hành vì lợi ích chung. Ảnh: Thái Thiện |
Nhìn ở diện rộng, năm 2022 được dự báo sẽ khó khăn, thì nay những dự báo đó càng rõ hơn khi số ca F0 có xu hướng tăng trở lại; và tình hình thế giới bất ổn từ xung đột vũ trang kéo theo biến động về an ninh năng lượng; rõ nhất là giá xăng dầu, tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Tất cả đã tạo nên khó khăn kép cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Điều này thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Rõ ràng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp cũng như đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta đã có “độ trễ” nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Cả năm 2021 đầy khó khăn, biến động đã tác động không nhỏ đến việc hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Vì thế, cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cả hệ thống chính trị cần đoàn kết, kỷ cương chủ động thích ứng an toàn hiệu quả để phục hồi và phát triển. Cần bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương ngày 5/1/2022, đặc biệt là 5 định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, cần bổ sung vào các chương trình, kế hoạch hành động của ngành, địa phương bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
LÊ THỊ TRƯỜNG AN