.

Mực nước sông Mêkông thất thường: Lo nhiều hơn mừng

Cập nhật: 09:56, 03/05/2022 (GMT+7)

Trong những ngày cao điểm mùa khô của năm 2022, theo quy luật nhiều năm hoặc 10 năm gần nhất, đây là giai đoạn mực nước sông Mêkông và trở ngược lên thượng nguồn phía Campuchia, Lào và Thái Lan đều rất thấp. Thế nhưng, khoảng thời gian từ 20-3-2022, các trạm quan trắc thủy văn trên dòng chính dọc theo sông Mêkông đều ghi nhận những đợt mực nước cao thấp bất thường, chưa đến 30 ngày mà mực nước thay đổi lên xuống 10 lần, có một số lần chênh lệch biến động mực nước trên 1 mét chỉ trong ba ngày, như từ ngày 20-3 đến 23-3-2022.

 Mực nước dâng cao gây ngập và sạt lở vùng ven biển Tân Phú Đông, Tiền Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn
Mực nước dâng cao gây ngập và sạt lở vùng ven biển Tân Phú Đông, Tiền Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Thủy đồ mực nước từ số liệu quan trắc của Ủy ban sông Mêkông (MRC) và cảnh báo của Cơ quan Quan trắc Đập Mêkông (MDM) cho thấy sự thay đổi bất thường này (hình 1).

Các ảnh vệ tinh sau giải đoán cho thấy khu vực Biển Hồ ở Campuchia đến vùng đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chỉ số Ẩm ướt bề mặt bất thường (Surface Wetness Index Anormaly) tăng lên rõ rệt trong tuần lễ từ ngày 10 đến 16-4-2022 so với số liệu trung bình nhiều năm từ 1992-2021 (hình 2). Điều này hoàn toàn phù hợp với các quan sát mực nước dâng cao ở vùng châu thổ (hình 3).

Hiện tượng này có thể nhận biết do các hoạt động thay đổi việc xả nước và đóng cửa van rất đột ngột từ các đập thủy điện phía Trung Quốc, cho dù đầu tháng 4 có những ngày mưa lớn bất thường nhưng lượng mưa cũng không gây nên khả năng gia tăng mực nước nhiều trên sông.

Việc các hồ chứa thủy điện phía Trung Quốc tích nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô gây ra những thay đổi đột ngột về quy luật thủy văn nhiều năm ở vùng đồng bằng ngập nước, gây ra những tác động cả tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là làm giảm tác động của hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ĐBSCL vào mùa khô, tạo thuận lợi hơn cho việc tích trữ nước ngọt. Còn về mặt tiêu cực cũng khá nhiều vấn đề, có thể qua nhiều năm thì việc đánh giá và định lượng sẽ rõ ràng hơn. Ít nhất ba tác hại lớn có thể định danh.

Thứ nhất, việc tích nước vào hồ chứa vào mùa mưa làm giảm lưu lượng lũ tràn về đồng bằng có vẻ như một điểm tích cực, nhưng thực ra đó là một dấu hiệu tiêu cực nhiều hơn vì vùng châu thổ hình thành qua nhiều ngàn năm trước nhờ các mùa lũ lụt, năm nào lũ lớn thì phù sa sẽ về nhiều bù lún mặt đất, nâng cao độ nền đất, tăng độ màu mỡ đất, các chất trầm tích đổ về biển sẽ tạo ra nhiều dinh dưỡng nuôi sống và làm phong phú cho hàng ngàn loài sinh vật khác nhau, đồng thời giúp cho vùng ven biển nhiều trầm tích, giảm sạt lở, tạo các yếu tố thuận lợi cho việc duy trì, phát triển và mở rộng các dải rừng ngập mặn.

Sự suy giảm lũ từ thượng nguồn vào mùa mưa, chỉ tăng vào mùa khô sẽ làm giảm động lực dòng chảy, khiến bùn cát đưa về đồng bằng ít đi và dòng chảy mang đặc điểm của dòng nước đói phù sa, hệ quả là làm tồi tệ hơn tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển như đã xảy ra trong hơn 10 năm nay.

Thứ hai, giảm dòng nước mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô đột ngột, kiểu giật cục, sẽ làm đảo lộn các tín hiệu sinh học nghiêm trọng, dẫn đến các đe dọa cho các quần thể sinh vật. Quy luật di cư của nhiều loài cá, các loại thủy sinh đã định hình vào đặc điểm gen di truyền qua vài ngàn năm theo quy luật mùa nắng – mùa mưa.

Sự suy giảm lũ từ thượng nguồn vào mùa mưa, chỉ tăng vào mùa khô sẽ làm giảm động lực dòng chảy, khiến bùn cát đưa về đồng bằng ít đi và dòng chảy mang đặc điểm của dòng nước đói phù sa, hệ quả là làm tồi tệ hơn tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển như đã xảy ra trong hơn 10 năm nay.

Khi mưa đem dòng chảy từ thượng nguồn về sẽ là tín hiệu cho nhiều loài cá trắng và cá xám từ đồng đi ngược lên thượng nguồn đẻ trứng, để rồi sau đó cá con theo dòng lũ trôi về lại hạ nguồn. Mực nước sông dâng cao tràn về sớm vào mùa khô sẽ “đánh lừa” cá đi ngược dòng nhưng chưa đủ điều kiện để đẻ trứng sẽ làm giảm số lượng loài.

Ở các nước thượng nguồn và khu vực Biển Hồ Tongle Sap, khi mực nước mùa khô xuống thấp sẽ lộ ra đất trống giúp các cây xanh, cây bụi và cỏ ven bờ phát triển hoặc giúp nông dân Thái Lan, Lào, Campuchia trồng màu ở bãi sông tạo nguồn sinh khối ven bờ và ven hồ. Khi mực nước sông mùa khô đột ngột dâng cao từ nửa mét đến trên một mét sẽ làm ngập bãi sông và ven Biển Hồ, khiến một số thực vật và hoa màu bị chết và không thu hoạch được.

Theo quy luật tự nhiên, các thực vật này chết vào mùa mưa lũ và phân hủy sẽ là nguồn thức ăn cho cá con, giúp cá lớn hơn trước khi chúng quay về phía hạ lưu. Suy giảm nguồn lợi thủy sản, dẫn đến suy giảm số lượng các loài chim cò, động vật ăn cá. Việc mất nguồn thực vật vào mùa khô và động vật mùa mưa sẽ làm thay đổi tính đa dạng sinh học khu vực.

Thứ ba, các hệ thống canh tác khác nhau ở vùng ĐBSCL theo quy luật nguồn nước có nguy cơ bị phá sản. Ở vùng đầu nguồn ĐBSCL, các mô hình canh tác lúa – cá nước ngọt theo nhịp tăng mực nước từ từ như theo mùa nước nổi sẽ không theo được sự biến động mực nước lên xuống với biên độ cao. Việc phục hồi các vùng canh tác lúa nổi giúp duy trì đàn cá tự nhiên sẽ trở ngại vì không còn quy luật mùa nước.

Giảm dòng nước mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô đột ngột, kiểu giật cục, sẽ làm đảo lộn các tín hiệu sinh học nghiêm trọng, dẫn đến các đe doạ cho các quần thể sinh vật. Quy luật di cư của nhiều loài cá, các loại thuỷ sinh đã định hình vào đặc điểm gen di truyền qua vài ngàn năm theo quy luật mùa nắng – mùa mưa.

Trái lại, ở vùng ven biển ĐBSCL, mô hình canh tác lúa – tôm xen canh cũng bị đe dọa khi mùa mưa trở nên ít nước hơn và mùa khô ít nước mặn hơn. Ở vùng giữa, các vườn trái cây cũng phải tốn chi phí năng lượng (bơm nước) để đối phó với việc ngập – khô xen kẽ, chưa kể người nông dân khó khăn trong việc bồi đất mương vườn vào mùa khô cho cây thêm dinh dưỡng vào mùa mưa.



Mùa lũ giảm lưu lượng và mùa khô tăng lưu lượng cũng gây thêm khó khăn cho việc vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất. Vấn đề sâu bệnh cũng sẽ khó khăn hơn khi không thể cắt đứt hoàn toàn nguồn sâu bệnh như có sự tồn tại một mùa hạn – mặn nhiều tháng. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cả giải pháp phi công trình và công trình trở nên bất ổn và bất định hơn, tốn kém trong vận hành và điều chỉnh.

Thiệt hại và mất mát cho vùng ĐBSCL từ các tác động của chuỗi đập thủy điện đã từng được các nhà thủy học môi trường cảnh báo từ 10-20 năm trước, nay dần dần hiện rõ. ĐBSCL không nhận được lợi ích từ sự vận hành thủy điện phía thượng nguồn mà phải đối phó với nhiều mất mát về nông nghiệp, thủy sản, hệ sinh thái tự nhiên và tính ổn định về đất đai, địa chất. Các tổn thất này đang dần dần hiện rõ trong các năm gần đây và gần như chưa có giải pháp toàn diện và hữu hiệu nào để đối phó hiện nay.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.