Cửu Long một mai còn có hai mùa?
Giữa tháng 3, nước sông Mêkông cao bất thường. Các đập thủy điện thượng nguồn xả hàng tỉ mét khối nước khiến cho mùa khô vùng châu thổ biến thành mùa nước nổi!
Thông tin mực nước lấy từ các trạm quan trắc ở Tân Châu và Châu Đốc, là hai trạm đo chính của sông Tiền và sông Hậu, khiến nhiều người lo lắng, còn riêng tôi thì nhớ lại nhiều điều.
Ấy là mùa nước nổi năm 1995, khi tôi và một anh bạn đồng nghiệp làm báo xuôi về miền châu thổ Cửu Long tác nghiệp. Bản tin fax đi từ bưu điện Tân An (tỉnh Long An) ngày 28-9-1995 có tựa đề: “Vùng trũng Đồng Tháp Mười chìm trong biển nước”. Nhưng đó là mùa của cá tôm vùng vẫy xuôi về từ Biển Hồ (Campuchia). Còn năm nay, vào giữa tháng 3 lại được nghe một ngư dân ở huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) tâm sự: “Mùa khô mà nước sông Tiền dâng cao như mùa nước nổi. Nhưng nước tràn về thì trong xanh, không có vị đỏ phù sa của mùa ầm ào nước lũ…”.
Mùa nước nổi miền Tây. Ảnh: N.K |
Đó là điều rất mực lo lắng, bởi sự bất thường của con nước liên quan đến sinh kế của hàng triệu người. Các chuyên gia cho rằng nếu trong mùa khô, dòng chảy khác đi sẽ thay đổi hệ sinh thái, sinh ra hiện tượng sạt lở, đất đai bạc màu. Cây cối, cá tôm cũng sẽ thay đổi gen di truyền vốn đã được “mã hóa” từ bao đời, phá vỡ quy luật sinh tồn mà tạo hóa đã ban cho muôn loài…
Chợt nhớ trong bài phỏng vấn ngày đó mà tôi còn lưu lại, một vị lãnh đạo tỉnh Long An nói dù lượng nước phân bổ vào mùa lũ chiếm đến 80% lượng nước hàng năm đổ về hai dòng sông lớn: sông Tiền và sông Hậu, nhưng với 20% lượng nước còn lại của mùa khô, nếu biết cách điều tiết thì cũng sẽ như hàng trăm năm qua, vạn vật vẫn cứ thích ứng mà tồn tại!
Tôi có những chuyến đi hàng tháng trời cùng mùa lũ đồng bằng châu thổ Cửu Long, “nằm vùng” và suy nghiệm từ thực tế. Còn nhớ lời của một lão nông mưu sinh trên sông nước Đồng Tháp có cái tên chất phác Trần Văn Lến mà tôi còn ghi lại trong quyển nhật ký đồng bằng: “Trời đất đã sinh như vậy. Con nước lũ đồng bằng cho cơm cho cá, mùa nào thức nấy, nếu thay đổi thì sẽ rất khó sống”. Giở nhật ký đọc lại mà tôi còn nhớ như in hơi rượu phả ra từ ông lão bên bến sông chiều muộn.
Hai mươi năm trước, tôi cũng có khá nhiều chuyến đi với các chuyên gia chỉnh trị sông thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam do Giáo sư Nguyễn Ân Niên, lúc ấy là Viện trưởng dẫn đầu. Vị Viện trưởng đã đôi lần nói, đại ý chỉnh trị các dòng sông lớn, nhỏ đều phải dựa vào nguyên lý tự nhiên của dòng chảy, vào những khảo sát thực tế và căn cứ theo mùa, nếu không thuận với lẽ tự nhiên thì công việc ắt sẽ thất bại. Ở Tân Châu (tỉnh An Giang), nơi nổi tiếng với loại lãnh Mỹ A truyền thống, vị giáo sư ấy đã từng cùng các đồng sự miệt mài khảo sát thực địa, nghiên cứu xây bờ kè với mong muốn cứu lấy một thị trấn khá sầm uất trước nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền.
Nhưng câu chuyện ấy diễn ra giữa những năm tháng phía thượng nguồn chưa xây nhiều đập thủy điện như bây giờ, lúc dòng Mêkông vẫn đều đặn mỗi năm hai mùa con nước đi qua bao xóm thôn làng mạc, để đưa nước tắm mát phù sa cho đồng ruộng, vườn tược tươi xanh.
Còn bây giờ, mỗi khi nghe hay nghĩ đến câu chuyện thay đổi của một vùng đất nào đó vốn phì nhiêu, trù phú thì lại thấy lo ngại. Cứ thử hình dung nhiều năm sau nữa, nếu vẫn không có kế hoạch điều tiết dòng chảy, miền đồng bằng châu thổ không còn hai mùa như trước thì sẽ ra sao?
(Theo thesaigontimes.vn)