"Chữa bệnh"… sợ sai
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thì thiệt thòi ảnh hưởng trực tiếp, trước hết và lớn nhất chính là sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó cần lấp lỗ hổng pháp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cứu người bệnh là việc làm không thể chậm chễ…
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc, vật tư y tế. (Ảnh minh họa ). |
Y tế là một trong những trụ cột lớn của an sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người dân. Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên phạm vi cả nước đang có tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm. Đặc biệt là thiếu thuốc men, thậm chí “đắp chiếu” cả máy móc thiết bị. Trong đó, có cả tình trạng nhiều loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả nhưng bệnh nhân phải mua bên ngoài do bên trong bệnh viện thiếu thuốc…
Trước thực trạng này, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua báo cáo của các đơn vị địa phương cho thấy, việc thiếu thuốc chủ yếu là thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết.
Đối với trang thiết bị, vật tư y tế, việc thiếu hụt tập trung vào các trang thiết bị y tế chuyên sâu như: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu và hóa chất xét nghiệm.
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, tuy nhiên đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên... dù Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định, chỉ đạo này vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có "độ trễ" nhất định.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn TP Hồ Chí Minh, nếu ví von rằng, hệ thống y tế đang mắc phải căn bệnh “thập tử nhất sinh” thì bên cạnh các bộ phận “hoại tử” phải loại bỏ, cũng phải giữ cho thể trạng sống của cả hệ thống. Còn nếu để cả hệ thống "chết" thì người bệnh chính là người phải trả giá đầu tiên.
Và trong thông cáo báo chí của Bộ Y tế mới đây, vấn đề này một lần nữa lại được nhắc đến. Cụ thể, theo Bộ Y tế, đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc…
Nguyên nhân nữa là có đơn vị chưa thống nhất cách hiểu, thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định có hiệu lực....
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động đôn đốc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực y tế, đấu thầu đang "vướng" ở cơ sở y tế công. Để giải quyết, cần gỡ điểm nghẽn ở công tác đấu thầu. Đây là bước khởi đầu của cải cách y tế trong giai đoạn hiện nay. Và trước hết thì quy trình đấu thầu phải minh bạch khách quan. Tuy nhiên, đấu thầu trong y tế có đặc thù riêng nên giá trong đấu thầu y tế phải khác so với các lĩnh vực khác.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khoá XV cho rằng, cần tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế và các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt hơn cả là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành Y tế.
Bên cạnh đó, khâu xây dựng chính sách là quan trọng, phải bắt tay vào ngay, đặc biệt là hệ thống chính sách y tế. Ví dụ như Luật khám chữa bệnh còn nhiều vấn đề mà người dân quan tâm, như giá dịch vụ y tế, xã hội hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh…
Do đó phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống dịch và cả những luật khác có liên quan như về giá, Luật Đấu thầu, mua sắm, Luật Tài sản công… Kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện.
Và tiếp theo đó là những vấn đề lớn như: Cải cách chế độ của cán bộ nhân viên y tế, thay đổi bộ mặt hệ thống y tế công, xứng tầm với các quốc gia trên khu vực.
Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là những nguyên nhân căn cốt. Cái chính, như ý kiến của Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công là bệnh sợ trách nhiệm. Vì sao có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định chỉ vì nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân?
Do đó để “chữa bệnh” sợ sai trong ngành y tế thì phải nhìn tận gốc vấn đề và phải làm thế nào cho con người “không thể sai”, “không sợ sai” và “không dám sai”. Muốn thế phải có cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế vì sự nghiệp chung và có các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y…
(Theo dangcongsan.vn)