.

"Cái bẫy" cạnh tranh tiêu cực

Cập nhật: 12:08, 21/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Thư ngỏ của của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân nhân sự kiện công bố Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc hàm chứa nhiều điều đáng phải suy nghĩ.

Dưới góc nhìn của Bộ trưởng, cũng là người từng gắn bó nhiều năm với ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, mới thấy ngành Nông nghiệp không chỉ mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát mà còn thể hiện trong tư duy kinh doanh, vốn dĩ đã kéo dài trong rất nhiều năm.

Thực tế cho thấy rằng, thay vì cạnh tranh bằng tăng chất lượng, giảm chi phí, thì lại cạnh tranh bằng cách giảm giá, hạ giá bất hợp lý, để giành khách hàng. Rồi nào là cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng, hay chỉ quan tâm đến việc thu về lợi nhuận cao nhất cho mùa vụ trước mắt, bất chấp các rủi ro, hệ lụy dài lâu đối với toàn ngành hàng.

Trái sầu riêng đang đứng trước cơ hội lớn thông qau xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trái sầu riêng đang đứng trước cơ hội lớn thông qua xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đó là một trong những nguyên nhân một số loại trái cây nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam, một thời háo hức bước ra thị trường thế giới, rồi dần dần biến mất một cách lặng lẽ. “Cái bẫy” cạnh tranh tiêu cực cũng chính là điều nan giải của nhiều doanh nghiệp trăn trở lâu nay. Khi triết lý kinh doanh phổ quát toàn cầu luôn là “win-win”, “cả hai đều thắng”, “tất cả cùng thắng”, thì những hành xử thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh kém lành mạnh, dù là nhỏ nhất, chỉ càng kéo ghì mọi người, mọi việc tụt hẳn lại phía sau.

Câu chuyện của ngành Nông nghiệp ở nhiều khâu đã được bàn luận ở rất nhiều diễn đàn nhưng dường như sự chuyển biến vẫn chưa được như mong đợi. Những “cái bẫy” như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định vẫn còn thường xuyên diễn ra. Bức tranh nông nghiệp Việt Nam vì thế vẫn còn quá nhiều gam màu sáng tối và hơn hết đời sống của người nông dân cũng lắm bấp bênh. Nông nghiệp Tiền Giang cũng nằm trong bức tranh chung này.

Câu chuyện của ngành Nông nghiệp được đánh giá sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời gắn với triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy một thực tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhìn chung nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị còn ít; chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ; tiêu thụ nông sản còn hạn chế; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp…

Nông sản cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của đối tác.
Nông sản cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của đối tác.

Trước sự kiện trái sầu riêng tươi có nhiều cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng, kinh doanh không chỉ là chuyện bán chuyện mua sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất, cũng đồng thời là người bán, trước hết, phải trân quý, nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra, thì người mua - người tiêu dùng cũng sẽ trân quý và sẵn lòng chi trả mức giá tương xứng.

Thương hiệu sầu riêng, hay bất kỳ ngành hàng nông sản nào khác, bắt đầu được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình như vậy. “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Đó là điều, theo chúng tôi, nông sản Việt một thời gian dài vừa qua chưa được thực hiện bài bản.

Chặng đường phía trước đối với nông sản Việt nói chung, sầu riêng nói riêng, vẫn còn rất dài. Bởi cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác, như nhắn nhủ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan từ những lời đúc kết của người  xưa: “Phàm việc gì chuẩn bị trước sẽ thành công, còn không chuẩn bị trước sẽ thất bại”. “Thất bại trong chuẩn bị chính là chuẩn bị cho thất bại”. Chúng ta sẽ là thành công, nếu “đi cùng nhau”, “cùng chuẩn bị trước, chuẩn bị một cách thực sự nghiêm túc”!

TA

.
.
.