Buông không được, quản không xong
Những tin tức liên quan đến hai nghệ sĩ Việt Nam vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha tràn ngập báo chí và mạng xã hội, một lần nữa như giọt nước tràn ly. Mặc dù chưa có khẳng định cuối cùng từ cơ quan chức năng nhưng qua câu chuyện này, vấn đề quản lý nghệ sĩ ra nước ngoài cần phải có một giải pháp thực sự hiệu quả, không thể sai đến đâu mới xử lý đến đó như lâu nay.
Động thái mới nhất của Đài Truyền hình Việt Nam xung quanh việc cắt, hạn chế những chương trình, phim có liên quan đến hai nghệ sĩ nói trên, cho thấy chúng ta vẫn còn khá vất vả trong việc xử lý sự cố liên quan đến nghệ sĩ, nhất là khi sai phạm xảy ra tại nước ngoài. Những chương trình chưa lên sóng có thể thay đổi, bộ phim đã lên sóng có thể khóa thông tin trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến… nhưng những sản phẩm văn hóa hiện đang trình chiếu, có sự góp mặt của 2 nghệ sĩ trên, liệu có chịu chung số phận?
Đó là chưa nói đến chuyện 2 nghệ sĩ hiện công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng một trong hai người ra nước ngoài mà cơ quan quản lý hoàn toàn không hay biết cho đến khi lùm xùm xảy ra. Trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp ở đâu, khi nghệ sĩ ra nước ngoài, ồn ào hình ảnh trên mạng xã hội mà lãnh đạo đơn vị chỉ hay khi chuyện đã rồi. Đó là thiếu sót, sơ suất hay nói thẳng là có tình trạng buông lỏng trong quản lý con người?
Cũng liên quan đến chuyện nghệ sĩ, người đẹp ra nước ngoài, sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc người đẹp đi thi “chui” ở các giải sắc đẹp quốc tế, năm 2020, một nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành (ngày 14-12-2020). Theo đó, công dân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn. Không cần giấy phép từ cục, các người đẹp cũng không cần có danh hiệu trong nước, mà chỉ cần cơ quan quản lý văn hóa địa phương xác nhận để đi thi.
Sự thông thoáng này là tín hiệu vui để nhan sắc và tài năng Việt thuận lợi hơn trong hành trình khẳng định mình. Tuy nhiên, bước chân ra môi trường quốc tế, không còn là tên tuổi cá nhân mà đó là bộ mặt quốc gia, khi bạn bè quốc tế nhìn vào phần trình diễn của nghệ sĩ hay thể hiện bản thân của người mẫu… Đã có không ít trường hợp nghệ sĩ ra nước ngoài với lý do đi du lịch, nhưng sau đó lại biểu diễn trong một số chương trình ở hải ngoại. Một số trường hợp bị xử phạt hành chính nhưng như nhận xét của nhiều người, các mức phạt đó chẳng khác nào “muối bỏ biển”, chưa đủ mạnh để “thuốc đắng dã tật”. Thậm chí, không cần phải biểu diễn, ngay cả trong lối sống, các nghệ sĩ cũng cần chú ý để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực như câu chuyện của 2 nam nghệ sĩ Việt Nam ở Tây Ban Nha là ví dụ điển hình.
Với nghệ sĩ tự do, việc quản lý còn nhiều điều cần phải xem xét thì với nghệ sĩ thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản nghệ sĩ phải nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý các nghệ sĩ, khắc phục tình trạng buông không được mà quản cũng không xong.
Nghệ sĩ ngoài tài năng, chuyên môn cũng cần chuẩn mực đạo đức nhất định, để tự quản chính mình. Không phải ai biết hát, biết diễn cũng được gọi là nghệ sĩ, và khi chấp nhận hai từ nghệ sĩ cũng có nghĩa bạn là người của công chúng, hình ảnh đẹp không chỉ cho bản thân mà còn dành cho khán giả... Giá trị hay đích đến cuối cùng của nghệ thuật vẫn là cái đẹp và người làm nghệ thuật trước hết hãy tử tế, thành thật và biết giữ mình để tạo dựng nên những giá trị lâu dài trong lòng công chúng.
Theo sggp.org.vn