Đảo ngược "vòng xoáy đi xuống" của ĐBSCL
(ABO) Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2022 vừa được công bố cho thấy những bức tranh khác của vùng đất trù phù này; đồng thời cũng chỉ ra những mắt xích quan trọng để mỗi tỉnh, thành chuyển hướng trong thời gian tới.
Đây là lần thứ 2, Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL được công bố và được xem là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng cho mỗi địa phương trong vùng trong việc xây dựng và hoạch định những đường hướng cho tương lai phù hợp với bức tranh liên kết chung của cả vùng.
Cũng như báo cáo công bố lần thứ nhất vào năm 2020, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 đã chỉ ra những vấn đề nội tại, mang tính hiện hữu của cả vùng ĐBSCL với rất nhiều yếu tố tham chiếu. Bên cạnh những điểm sáng, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 cũng cho thấy rất nhiều điểm đáng phải quan tâm.
Du lịch là một trong những lợi thế quan trọng của Tiền Giang. |
Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, Chủ biên Báo cáo cho rằng, kết quả từ nhóm nghiên cứu cho thấy, trong 2 năm qua, ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Nghiên cứu cho thấy, trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6 địa phương, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ trên vùng Đông Nam bộ nơi dịch Covid-19 khốc liệt nhất. Thực tế cũng chỉ ra rằng, 2 năm đại dịch diễn ra giống như “lửa thử vàng”, giúp bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Và một điều tất nhiên rằng, một mình ngành Nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ - cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng - đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là -0,8% và -1,8%. Sức ép đè lên ngành Nông nghiệp chính vì thế cũng nặng nề hơn bao giờ hết. Trụ đỡ nông nghiệp sẽ rất khó bền vững nếu kinh tế trong vùng chưa được chuyển hướng hiệu quả hơn.
Nhìn một cách tổng thể hơn, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 cũng cho thấy những “vòng xoáy” khó khăn của ĐBSCL. Chẳng hạn, về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba “vòng xoáy đi xuống” bao gồm “vòng xoáy ngân sách”, “vòng xoáy lao động” và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra thông điệp chủ chốt trong Báo cáo này là làm sao phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên cho ĐBSCL. Tất nhiên, đây cũng chính là câu chuyện dài của vùng đất trù phú và cũng đã được bàn luận của rất nhiều diễn đàn trước đây.
Chỉ ra thực tế cũng là cách để tìm giải pháp hướng tới cho ĐBSCL, ít ra cũng hạn chế được những “vòng xoáy đi xuống”. Trước thực trạng này, các chuyên gia cũng đã khuyến nghị nhiều hướng đi, mang tính mắt xích quan trọng cho tương lai của ĐBSCL. Đó có thể là cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực và phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa; là đảo ngược tình trạng đầu tư cho vùng ĐBSCL; đảo ngược số lượng và chất lượng nguồn nhân lực và quan trọng hơn là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường. Mỗi mắt xích đều thông qua các chiến lược, quy hoạch, cả tư duy và tầm nhìn trong thời gian tới. Tất nhiên, giải quyết được các mắt xích này không thể mỗi tỉnh, thành tự làm được.
Trong chiến lược phát triển của ĐBSCL, nhìn ở góc độ tổng thể hơn, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở quan trọng để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội của vùng trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ… Đây có thể nói là cơ hội và là nền tảng mới cho ĐBSCL định hình và có được mô hình phát triển mới.
Trong bức tranh chung cùa ĐBSCL, Tiền Giang cũng đang từng bước chuyển động phù hợp với xu thế chung và đặc trưng, lợi thế riêng. Mới đây, Tiền Giang cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng được xem là quyết tâm, nỗ lực của Tiền Giang để cùng với các tỉnh, thành đưa khu vực ĐBSCL vươn lên mạnh mẽ.
TA