.

Nhân lực cho vùng đồng bằng

Cập nhật: 19:48, 29/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Thực tế mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy nhiều điều đáng quan ngại.

Thực tế này cũng đã được chỉ ra tại buổi Tọa đàm Nhân lực khu vực công cho ĐBSCL do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long vào sáng ngày 27-8. Tại buổi tọa đàm, GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết số liệu giai đoạn 2015-2020 cho thấy, tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở ĐBSCL chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%. Ở khu vực quản lý nhà nước, chỉ có 7,4% tổng số cán bộ, công chức khu vực ĐBSCL có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Nếu nhìn nhận một cách tổng thể hơn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê gần đây, việc so sánh tỷ lệ dân số ở bậc học vấn thấp nhất (chưa tốt nghiệp tiểu học) và cao nhất (tốt nghiệp trung học trở lên) giữa ĐSCL và cả nước năm 2016 cho thấy có sự chênh lệch quá xa. Số người chưa tốt nghiệp tiểu học ở ĐBSCL là 29,9% so với 20,2%; số người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên tương ứng là 13,7% so với 26,4%. Chưa kể, số liệu đến hết năm 2020 cho thấy, tỷ lệ lao động ở vùng ĐBSCL đã qua đào tạo có chứng chỉ là khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước là 24,5%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL còn thấp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL còn thấp.

Những con số này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực đã và đang là "điểm nghẽn" trong chặng đường phát triển của vùng ĐBSCL. Chính yếu tố này đã trở thành một trong những nguyên nhân chính làm cho cả vùng ĐBSCL chậm phát triển hơn các vùng khác trong cả nước. Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 vừa được công bố gần đây cũng chỉ ra điều này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm nay đã chỉ ra, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng GRDP vùng giảm sâu, âm 0,43% trong năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL.

Chất lượng nguồn nhân lực đang là
Chất lượng nguồn nhân lực đang là "điểm nghẽn" của ĐBSCL.

Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua thì nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác và các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Chỉ ra thực tế chất lượng nguồn nhân lực của vùng cũng để tìm ra giải pháp cho chặng đường tới. Đó cũng là cách để mỗi tỉnh, thành trong khu vực sẽ lựa chọn những hướng đi riêng để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với Tiền Giang, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, Tiền Giang sẽ quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TA

.
.
.