Tăng lãi suất để giữ giá trị đồng Việt Nam
Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát và hạn chế sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Ưu tiên ổn định tỷ giá
Tại cuộc họp diễn ra ngày 20 và 21/9, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới là 3-3,25% nhằm hạn chế tác động của lạm phát với kinh tế Mỹ.
Về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, cơ quan này đưa ra quan điểm có phần “cứng rắn” hơn với dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 - tương đồng với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra, và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023 - cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường trước cuộc họp.
Thực tế, động thái liên tục gia tăng lãi suất của Fed đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới với 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu tính từ đầu năm 2022 tới nay, trong khi cả năm 2021 chỉ có 113 lượt tăng lãi suất.
Điều này cũng khiến nhiều đồng tiền giảm giá mạnh so với đô-la Mỹ lũy kế từ cuối năm 2021 tới 20/9/2022. Đơn cử, Baht Thái Lan (THB) giảm 11,95%, Yên Nhật (JPY) giảm 25,18%, Won (KRW) giảm 17,57%, Peso (PHP) giảm 13,65%, Ringgit (MYR) giảm 9,67%, Rupee (INR) giảm 7,44%, Nhân dân tệ (CNY) giảm 10,9%, Euro (EUR) giảm 13,49%, Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%.
(Ảnh minh hoạ: Reuters) |
Với Việt Nam, ngay sau quyết định của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt vào ngày 22-9, sau hơn 20 tháng duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,0% một năm lên 5,0% một năm, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6%.
Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2% một năm lên 0,5% một năm, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%, lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tăng từ 4,5% lên 5,5%.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết áp lực nhập khẩu lạm phát với Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở cao - trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao là rất lớn. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ lúc này là giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Ổn định không có nghĩa là cố định
Tuy nhiên, cơ quan điều hành không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá.
“Thời gian qua, chúng ta điều hành khá thành công, giữ được đồng Việt Nam không quá mất giá. Nhưng nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền” - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Chí Quang nói.
Cũng theo ông Quang, việc điều chỉnh lãi suất sẽ hướng tới mục tiêu hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Động thái tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro lạm phát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá là “tương đối quyết liệt và kịp thời” trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành là cao hơn so với dự báo trước đó ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022. Nhưng sau đợt tăng lãi suất lần này, ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022.
Về phía các chuyên gia, PGS,TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay đều ở mức thấp và dưới ngưỡng gây hại cho hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu.
Cụ thể, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 và tỷ lệ M2/GDP ở mức rất cao so với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Phillipines. Số liệu về tín dụng/GDP cũng cho thấy tỷ lệ này của Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, tác động của chính sách tiền tệ-tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ trở nên rõ nét hơn vào các năm sau và chắc chắn gây ra áp lực tăng giá.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế lớn gây nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” và sự gia tăng mạnh của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu dẫn đến khả năng gây ra lạm phát “chi phí đẩy” cho nền kinh tế.
Áp lực gia tăng lạm phát
Về tăng trưởng kinh tế, PGS,TS Tô Trung Thành cho biết mức tăng trưởng tiềm năng với nền kinh tế Việt Nam nằm trong khoảng 6,12%-6,32% một năm trong giai đoạn 1990-2021.
Với bối cảnh kinh tế hiện tại, ông Thành cho rằng thách thức lớn với việc điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới là xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.
“CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất”, ông Thành nói.
Ngoài ra, quy mô dự trữ ngoại hối - một trong những cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng - mới đạt ngưỡng tối thiểu và mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, theo ông Thành. "Nếu tính theo tuần nhập khẩu và tính theo tỷ lệ với cung tiền M2 thì dự trữ ngoại hối chưa hẳn là vùng đệm quá an toàn cho ổn định tài chính tiền tệ".
Với áp lực gia tăng lạm phát và nền kinh tế hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng, ông Thành cho rằng Chính phủ cần thực thi chính sách tiền tệ-tài khóa mở rộng một cách thận trọng để tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, đưa nền kinh tế dần trở về trạng thái tiềm năng nhưng không gây ra lạm phát cao trong trung-dài hạn.
“Nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới”. - TS Lê Xuân Nghĩa |
Với chính sách tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Việt Nam không nên nghĩ tới việc nới lỏng khi lạm phát và lãi suất trên thế giới có thể tăng trong thời gian tới.
“Nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới”, ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào, khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thắt chặt hơn chính sách tiền tệ qua các công cụ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối một cách nhất quán nhằm kiềm chế lạm phát.
PGS, TS Tô Trung Thành khuyến nghị chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.
Với chính sách hỗ trợ tín dụng, ông Thành khuyến nghị nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Ngoài ra, cần hướng dòng tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.
Những kiến nghị của ông Thành được đưa ra trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp mạnh hơn, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi lại dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô.
(Ảnh minh hoạ: Báo Thời Nay) |
Tiếp tục kiên định ổn định tỷ giá
Về tỷ giá, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tỷ giá hối đoái sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng đô-la Mỹ neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất.
Sang năm 2023, áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam dự báo sẽ hạ nhiệt đáng kể, đồng Việt Nam sẽ tăng giá so với đô-la Mỹ do Fed chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa chính sách".
Với bối cảnh này, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khuyến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục kiên định sự ổn định tỷ giá trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát.
“Kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng sự ổn định tỷ giá đã ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam”, ông Phước nói và kiến nghị không để đồng Việt Nam giảm giá.
Tương tự, ông Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý các cơ quan quản lý phải rất “cảnh giác” với khả năng tỷ giá hối đoái tiếp tục mất giá.
Còn Trưởng đại Diện của IMF tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud cho biết giá trị đồng Việt Nam giảm ít hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia khác trong khu vực trong thời gian qua do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán dự trữ ngoại hối để duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và hạn chế áp lực lạm phát, đồng thời cho phép lãi suất ngắn hạn trong nước tăng lên.
“Hai chính sách này phù hợp với chính sách tiền tệ, tập trung vào kiểm soát lạm phát”, ông Francois Painchaud nói và cho rằng việc nâng trần tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện tại sẽ không phù hợp với chính sách tỷ giá và lãi suất.
Về chính sách tài khóa, chuyên gia của IMF cho rằng cơ quan quản lý cần nhanh chóng, linh hoạt hơn. Nếu xuất hiện rủi ro suy giảm tăng trưởng do áp lực lạm phát thì chính sách tài khóa nên đóng vai trò lớn hơn mà không cần sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.
“Cần hỗ trợ tài khóa với mục tiêu rõ ràng cho các đối tượng doanh nghiệp, hộ gia đình và doanh nghiệp nói chung để có thể giảm bớt những đánh đổi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đối mặt khi thực hiện các chính sách tiền tệ trên diện rộng”, ông Francois Painchaud khuyến nghị.
(Theo nhandan.vn)