.

Gần Tết, đừng để "ma men" ra đường

Cập nhật: 14:38, 17/12/2022 (GMT+7)

Cuối năm là thời điểm có nhiều những cuộc vui liên hoan, tổng kết, tất niên,… của các cơ quan, đơn vị; cũng là lúc có nhiều “ma men” đi ra đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

a
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại huyện Lường Lát, tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 11/2022

Năm nào cũng vậy…

Theo thống kê, năm nào cũng vậy, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đều gia tăng vào cuối năm, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết. Nói như ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đây vừa là trăn trở lớn, vừa là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác ATGT.

“Tết mà…!”, là tâm lý chung của đại đa số người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Ngồi mâm cơm mà không có “chén chú chén anh” thì không phải là Tết. Bởi vậy, theo ông Khuất Việt Hùng, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những vụ TNGT thảm khốc, đau thương diễn ra nhiều năm qua. Tết là dịp để mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, may mắn nhất trong một năm. Nhưng đối với những gia đình có người bị TNGT hoặc gây TNGT, thì điều đó dường như là một thứ vô cùng… xa xỉ.

Cơ quan chức năng đã từng thống kê, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết liên quan đến rượu, bia. Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT cũng cho thấy, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu, bia, độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 60%; nam giới chiếm trên 90%.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng, bất kể vấn đề sức khỏe nào hay sử dụng rượu bia cũng liên quan tới xã hội. Cứ đến dịp lễ hội, ta sẽ thấy TNGT, lượng người sử dụng rượu, bia đều tăng cao. Vì thời điểm đó, mọi người được cho phép mình nghỉ ngơi. Các dịp liên hoan cuối năm nhiều nên lượng người sử dụng rượu bia cũng tăng đột biến, khiến số lượng vi phạm cũng tăng lên. Chưa kể thời điểm đó, thị trường nhiều khuyến mại, quảng cáo.... đều khuyến khích mọi người liên hoan và đây là thực trạng buồn.

a
Tai nạn giao thông luôn để lại những hậu quả nặng nề cho cả “người ra đi – kẻ ở lại”. Ảnh minh họa

Pháp luật của ta không cấm sử dụng rượu bia, chỉ cấm sau khi sử dụng rượu bia vẫn lái xe. Việc kiểm soát sử dụng rượu bia ở nước ta còn lỏng lẻo, mua rất dễ, uống lúc nào cũng được. Nhiều người cứ hết giờ làm là ra quán nhậu. Uống bia xong lại lên xe máy, ra ô tô lái về, rất ít khi sử dụng phương tiện công cộng. Không phải lần nào uống rượu bia cũng gây ra tai nạn nên người lái xe nhiều khi chưa nhận thức hết hậu quả, ông Cường cho hay.

Đừng để “ma men” ra đường

Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 11 tháng năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 295.000 trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm 11,36%) trong tổng số hơn 2 triệu trường hợp vi phạm ATGT. So với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), hành vi bị xử phạt liên quan đến nồng độ cồn tăng cao. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục vào các khung giờ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, nhất là khung giờ thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

a
Theo Cục CSGT, dịp Tết Nguyên đán 2023, lực lượng CSGT cả nước sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về nồng độ cồn

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, mức phạt vi phạm hành chính đã rất cao rồi, nhưng tình trạng vi phạm cũng tỷ lệ thuận theo.

Điều này xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân vẫn coi thường pháp luật. Nhiều người uống xong vẫn cho rằng mình chưa say, mình lái được. Nhưng thực ra đó là chủ quan của người đó. Có nồng độ cồn ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống. Dù biết hậu quả sẽ rất lớn khi uống rượu bia rồi lái xe, nhưng họ vẫn thực hiện.

Do đó, theo các chuyên gia, biện pháp quan trọng nhất hiện nay để giảm thiểu TNGT là phòng ngừa. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và toàn xã hội phải cùng chung tay để ngăn ngừa tối đa hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đó là các cán bộ, công chức, viên chức, những người phải làm gương cho quần chúng nhân dân trong việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đó là các cơ sở kinh doanh rượu, bia, chủ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia cần có trách nhiệm hơn với khách hàng của mình.

Đó là mỗi gia đình cần tạo nên nét văn hóa mới, thói quen mới mỗi dịp Tết đến xuân về. Gia đình nào có người đã sử dụng rượu, bia nhất định không để lái xe ra đường, đi chúc Tết, thăm hỏi,…

Đó là các chiến sĩ CSGT, công an địa phương cần tuyên truyền sâu rộng tới từng địa bàn, tới từng cá nhân tại địa phương mình để thay đổi ý thức của cộng đồng dân cư, làm sao để văn hóa giao thông đến với từng nhà. Người tham gia giao thông không chỉ đi một mình mà đi với cả gia đình, nắm trong tay sinh mạng của cả gia đình.

Do đó, gần Tết – đừng để “ma men” ra đường.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.