Thứ Sáu, 27/01/2023, 08:10 (GMT+7)
.

Vượt gió ngược, duy trì tăng trưởng cao, bền vững

Theo Nghị quyết 01/2023/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trước ngày 20-1, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai nghị quyết.

a
Thủ tướng kiểm tra tiến độ cao tốc Nha Trang – Cam Lâm vào chiều ngày 26-1 (mùng 5 Tết). Ảnh: LÊ KIÊN

Chương trình, kế hoạch hành động cần bao gồm đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện… sẽ được Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

Không có chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như thời kỳ kinh tế nông nghiệp xa xưa - đó là thông điệp quyết liệt từ Chính phủ, tạo ra một áp lực thực thi lành mạnh. Điểm đặc biệt của Nghị quyết 01 năm nay là lần đầu tiên, nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tích hợp ngay trong Nghị quyết 01 (sau 9 năm được thể hiện độc lập trong 2 phiên bản là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành hàng năm).

Nhìn ở góc độ cải thiện môi trường kinh doanh, nghị quyết tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ chính, phần lớn là duy trì, củng cố các nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết 02 của năm 2022. Đó là nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành…

Để những nhiệm vụ trên được thực hiện một cách hiệu quả, Chính phủ cũng nêu rõ sẽ chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số…

Điểm mới, cũng là yếu tố thể hiện sự kết nối với chuỗi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 những năm trước đây là xác định thêm một số nhiệm vụ cho năm 2023 (gồm tăng 2 bậc chỉ tiêu “quyền tài sản” của Liên minh Quyền tài sản và tăng ít nhất 2 bậc về chỉ tiêu việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức).

Như nhiều nhà kinh tế ví von, Việt Nam thực sự đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ bên ngoài. Nhưng, cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là có những nhược điểm nội tại, “kinh niên”, đã và đang làm giảm sức chống chịu và khả năng hồi phục, phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong đó, cần phải kể đến sự chậm trễ, thiếu hiệu quả trong đầu tư công, sự “mong manh”, thất thường trong thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán; khung khổ pháp luật còn thiếu sự thống nhất; thủ tục hành chính phức tạp nhiêu khê và đội ngũ công chức không phải bao giờ cũng nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân.

Chính vì thế mà việc ổn định vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đang trụ lại trên thị trường vượt qua khó khăn; cải cách khơi thông nguồn lực đầu tư công; khôi phục và củng cố niềm tin kinh doanh thông qua việc hoàn thiện thể chế pháp luật, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính để thúc đẩy đầu tư tư nhân và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) càng quan trọng hơn bao giờ hết lúc này. Tinh thần ấy cần được quán triệt ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, thể hiện bằng những kế hoạch hành động cụ thể, với những biện pháp quyết liệt, không khoan nhượng ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau Tết Quý Mão.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.