Thi hoa hậu: Ồn ào, khó quản
Những ngày qua, vụ tranh chấp tên gọi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” gây xôn xao dư luận. Đây là lần thứ hai xảy ra tranh cãi liên quan đến bản quyền thi hoa hậu. Bên cạnh đó, lùm xùm trong công tác tổ chức của một số cuộc thi hoa hậu khác càng khiến công chúng cảm thấy ngán ngẩm.
“Nóng” chuyện bản quyền
Vụ tranh chấp bản quyền liên quan đến Công ty CP Hoàn vũ Sài Gòn (SG Unicorp) và Tập đoàn JKN Global Group (Thái Lan) - công ty sở hữu cuộc thi Miss Universe cùng Công ty CP Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hiện chưa dừng lại.
Vừa qua, Giám đốc pháp lý Tập đoàn JKN Global Group gửi email cho báo chí Việt Nam thông tin về việc không gia hạn cho SG Unicorp tổ chức Miss Universe tại Việt Nam và nói rõ việc sử dụng bất kỳ tài sản trí tuệ nào (bao gồm tên Miss Universe và bản dịch tiếng Việt “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”) phải chấm dứt.
Sáng 24-2, tại TPHCM, tổ chức Miss Universe lại ký kết hợp tác với một đơn vị khác tại Việt Nam là Công ty CP Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, để giao nắm giữ bản quyền cử thí sinh Việt Nam thi Miss Universe, đồng thời tổ chức cuộc thi Miss Universe Vietnam. Trang Facebook tổ chức Miss Universe tại Việt Nam được đổi tên thành Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Trước thông tin này, ông Trần Việt Bảo Hoàng - đại diện SG Unicorp, cho rằng, việc này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tên thương hiệu tiếng Việt “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”. Công ty này phủ nhận các tuyên bố của Tập đoàn JKN Global Group, phản đối việc sử dụng tên gọi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” của đơn vị sở hữu bản quyền Miss Universe Vietnam hiện tại.
Những ngày qua, vụ tranh chấp tên gọi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” gây xôn xao dư luận. Đây là lần thứ hai xảy ra tranh cãi liên quan đến bản quyền thi hoa hậu. |
Theo phía SG Unicorp, bản thân từ “Universe” có rất nhiều cách dịch nghĩa; Tập đoàn JKN Global Group không thể quy kết tất cả các cách dịch nghĩa tiếng Việt đều thuộc phạm vi bảo hộ của mình.
Trước đó, chuyện lùm xùm bản quyền của 2 cuộc thi “Miss Peace Vietnam” do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Khang tổ chức và cuộc thi “Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam” do Công ty CP Quảng cáo thương mại Sen Vàng tổ chức, cũng gây ồn ào dư luận.
Tổ chức kém chuyên nghiệp
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục tổ chức hàng loạt cuộc thi sắc đẹp, mang tầm từ trường học, tỉnh thành đến quốc gia, quốc tế. Các cuộc thi mới ồ ạt được khởi động, công bố “chiêu mộ” người đẹp ghi danh.
Có những cuộc thi “mở rộng” đến 55 tuổi (Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2023), hay chỉ cần chiều cao 1m45 (Hoa hậu Nhân ái Việt Nam) vẫn có thể đăng quang. Thế nhưng, vừa qua, nhiều “sân chơi” hoa hậu gặp phải điều tiếng do ban tổ chức chưa thật sự am hiểu quy định, dẫn đến vi phạm, bị nhắc nhở hoặc bị xử lý.
Mới đây, vào đầu tháng 3, buổi công bố thông tin cuộc thi Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2023 bị tạm ngưng chỉ sau khi chương trình bắt đầu được vài phút. Đại diện Phòng VH-TT quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, đơn vị tổ chức chưa cung cấp được các hồ sơ liên quan đến chương trình do cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận nhưng vẫn tổ chức.
Trước đó vài ngày, sự kiện công bố tốp 20 trong khuôn khổ chương trình Đại sứ hoàn mỹ (Miss International Queen Vietnam 2023) cũng bị ngưng tổ chức. Theo thông tin từ Sở TT-TT TPHCM, đơn vị tổ chức cuộc thi có xin cấp phép tổ chức sự kiện nhưng hồ sơ chưa đủ thủ tục theo quy định nên sở không cấp phép.
Trong năm 2022, khán giả cũng nhiều lần chứng kiến một số cuộc thi nhan sắc bị “tuýt còi”. Công ty Minh Khang - đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam, bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng do tổ chức một sự kiện trong cuộc thi mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng.
Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cũng xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng Công ty CP Giải trí tiếp thị truyền thông Tân Thành Công (trụ sở tại TPHCM) - đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa khôi Nam bộ năm 2022” do một số vi phạm. Rồi cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam buộc phải dừng mọi hoạt động do chưa được cơ quan chức năng cho phép tổ chức…
Trong báo cáo gửi UBND TPHCM cuối năm vừa rồi, Sở VH-TT TPHCM cũng thừa nhận “khó quản lý” các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn.
Sở cho biết, nhiều chương trình, cuộc thi tổ chức chui không được tiếp nhận, chấp thuận; hoặc được tiếp nhận, chấp thuận nhưng thực hiện không đúng nội dung thông báo dẫn đến dư luận không tốt; việc xử lý, xử phạt vi phạm hành chính còn khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể. Chưa kể, có biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi nhan sắc bởi một số đơn vị tổ chức lập lờ cách hiểu về cụm từ “phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức”.
(Theo www.sggp.org.vn)