.

Dự án cao tốc, trách nhiệm và tiến độ

Cập nhật: 09:27, 06/05/2023 (GMT+7)

Hai dự án cao tốc vừa khánh thành là minh chứng cho việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan điều hành, quản lý và thi công các dự án.

Trong chiến tranh ác liệt, đường mòn Hồ Chí Minh đã hình thành, dù thời đó, ta chưa có thiết bị và kỹ thuật làm đường, vốn liếng, dụng cụ, vật tư cũng hết sức hạn hẹp. Quân dân ta đã làm được con đường huyền thoại đó chủ yếu bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, bằng sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ các binh đoàn xây dựng, của các đội thanh niên xung phong và người dân những vùng con đường đi qua.

Đến thập niên 1990, dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về sức người, sức của, song với ý chí tự cường, chúng ta cũng đã tự tay xây lại con đường mòn đó thành “đường Trường Sơn công nghiệp hóa”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tại điểm cầu chính Phan Thiết-Dầu Giây tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
 

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tại điểm cầu chính Phan Thiết-Dầu Giây tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: dangcongsan.vn

Giờ đây, sau 37 năm đổi mới và phát triển, người Việt Nam nhất định phải đủ năng lực làm con đường bộ huyết mạch của nước mình. Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tất cả đều đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Mừng thay, trong dịp lễ 30/4 – 1/5, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã hiện thực hóa ý chí “vượt nắng - thắng mưa, thắng đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ”, “đã nói là phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện” như lời của Thủ tướng. Hai dự án cao tốc này đặt niềm hy vọng nơi chúng ta về những dự án cao tốc khác: Làm đúng tiến độ, đạt chất lượng, minh bạch và đúng cam kết. Niềm hy vọng đó cũng không làm chúng ta quên đi những sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như một bài học nhắc nhở thường trực về trách nhiệm.

NIềm vui mang tên cao tốc được nhân lên khi ngày 20/4, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị cho phép tổ chức lễ hoàn thành Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm vào cuối tháng 5, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu và cam kết bảo hành 10 năm.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang – Cam Lâm dài hơn 49 km, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Đây là 1 trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian xây dựng 2 năm. Bên cạnh đó, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành, thông xe trước ngày 02/9 năm nay, hiện 02 tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt cũng gấp rút thi công xuyên lễ...
 

a
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường thi công dư án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An vào 01/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, phấn đấu khánh thành trước ngày 2/9/2023

Một trong những nguyên nhân đưa dự án sớm về đích được chuyên gia cầu đường Chu Công Minh lý giải đó là: “Cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân (Tập đoàn Sơn Hải góp hơn 2.600 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến dự án đẩy nhanh tiến độ”.

Đáng chú ý, việc Tập đoàn Sơn Hải cán đích dự án sớm với cam kết bảo hành 10 năm đã góp phần đập tan luận điểm cách đây vài năm (chính xác là năm 2019) trong một Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại một phiên họp của Ủy ban về dự án đường cao tốc Bắc-Nam rằng: “Cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà…, duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất”.

Thực tiễn phát triển đã minh chứng “đại lộ sinh đại phú”, đường mở đến đâu, dân giàu đến đó. Hạ tầng giao thông đang được tập trung cải thiện, trong đó việc hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông và mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, là bệ phóng đưa đất nước tiến đến hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Và kết quả của thịnh vượng, hùng cường, chính là người dân được no ấm, được hạnh phúc, sung túc hơn.

Vì thế, trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Với tầm quan trọng to lớn của con đường xuyên suốt đất nước này về các mặt kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng, chúng ta rất cẩn cẩn trọng chọn lựa để có được những nhà đầu tư thật nghiêm túc, đàng hoàng, thực sự tuân thủ pháp luật, tôn trọng lợi ích các mặt của chúng ta.

Đồng thời, từ tín hiệu vui của các dự án cao tốc về đích sớm cho thấy câu chuyện trách nhiệm với cao tốc không chỉ là tiến độ hoàn thành, tuân thủ tiêu chuẩn mà còn là vận hành, sử dụng về lâu dài.

Tức là, chỉ khi “thông đường trách nhiệm” của từng chủ thể tham gia thì mới có thể “thông đường thực địa”. Phải gạt bỏ được trách nhiệm tập thể - thứ chẳng thuộc riêng ai có thể trở thành bóng tối cho những sai phạm cá nhân ẩn nấp sau những uyển ngữ đại loại như: “thiếu sót chung”, “yếu kém chung”, “vướng mắc chung”.

Điều này cũng có nghĩa, mong muốn về một dự án giao thông tốt đẹp thì phải đặt trách nhiệm lên cá nhân dám nghĩ, dám làm. Đó chính là thước đo hiệu quả!

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.