Tấm lòng thương yêu bao la của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Tình cảm của Người biểu hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ suốt đời đồng cam cộng khổ với dân, chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Tình cảm của Người đối với thương binh - liệt sĩ biểu hiện không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể, xuyên suốt:
Ngày 2-10-1945, Bác Hồ đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam và trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20-11-1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ.
Tháng 1-1947, Bác Hồ gửi thư riêng cho Bác sĩ Vũ Đình Tụng có con trai hy sinh oanh liệt ở chiến trường. Trong thư có đoạn: "Tôi được báo cáo rằng: Con trai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”.
Mấy tháng trước khi đột ngột qua đời (năm 1973), Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: "Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ".
Tháng 6-1947, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”, từ đó, Ngày Thương binh toàn quốc ra đời, sau này là Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Trong Ngày Thương binh toàn quốc tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27-7-1947), Bác Hồ gửi thư nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Câu chuyện cảm động “Để Bác quạt” và “Đem điều hòa nhiệt độ của Bác lắp cho trại điều dưỡng thương binh” là hai trong nhiều câu chuyện cảm động thể hiện tình thương yêu của Bác đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, là minh chứng sinh động về phong cách, đạo đức nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ.
Thực hiện tâm nguyện của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thể hiện trách nhiệm đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng những chính sách ngày càng hoàn thiện.
Trong cả nước, những chương trình xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc và nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ cùng với chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách đã được thực hiện.
Điều đó cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác thương binh, liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
M.T