Văn hóa xin lỗi
Ngay từ khi ban hành (18-8-2023) cho đến nay, Quy định 117/QĐ-TW của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (Quy định 117) đã thu hút sự chú ý, ủng hộ rất lớn của đảng viên cả nước.
Đây là văn bản có tính pháp quy đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan thì được phục hồi quyền lợi, vốn đã được nhiều lần đề ra trong các cuộc họp, hội nghị các cấp. Đồng thời, quy định này cũng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Có thể khẳng định, Quy định 117 là bước hoàn thiện Quy định 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Theo Quy định 117, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện.
Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan, giải quyết oan phải triệt để. Kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên...
Đó là về mặt tinh thần, còn bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho người bị oan thì Quy định 117 yêu cầu thực hiện theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Rất nhiều ý kiến đã được gửi đến Báo SGGP thể hiện rõ thái độ đồng tình, ủng hộ với Quy định 117.
Theo bạn đọc, “văn hóa xin lỗi” là đạo đức, là văn minh của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và xin lỗi công khai sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch hơn, thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên. Đây không phải là vấn đề mới bởi trong quá khứ tổ chức Đảng của chúng ta đã từng không ít lần nhận sai, chủ động sửa sai.
Như câu chuyện của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc từng bị kiểm điểm và tự phê bình vì chủ trương “khoán hộ, đổi mới nông nghiệp”, việc sửa sai đã được thực hiện sau 20 năm, khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán bộ (khoán 10) chính thức ban hành.
Hay câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất; đồng thời, Đảng ta đã sửa sai ngay lập tức...
Đồng tình, ủng hộ, nhưng không ít chuyên gia cũng cho rằng với quy trình giải quyết khiếu nại, giải quyết oan sai cần ngắn gọn hơn nữa, thậm chí áp dụng quy trình rút gọn để không kéo dài thời gian oan của tổ chức đảng, đảng viên, tránh gây thêm những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội…
Trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải gắn trách nhiệm tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật, kể cả cán bộ tham mưu thi hành kỷ luật, qua đó góp phần hạn chế oan sai, tăng trách nhiệm thực thi công vụ.
Trước khi đưa ra quyết định thi hành kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải làm đúng quy trình, kịp thời, chặt chẽ, chính xác, công tâm khách quan. Khi tổ chức, cá nhân gây ra oan sai phải nhận và xin lỗi trước nhân dân, trước người bị kỷ luật oan.
Đồng thời, nghiêm minh xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân đã gây ra oan sai đúng với tinh thần tự phê bình nghiêm khắc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Trong bối cảnh TPHCM đang khẩn trương đưa Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào cuộc sống, với nhiều cơ chế, chính sách mới mà TPHCM đang tiên phong thí điểm, đòi hỏi tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên là rất quan trọng.
Kỳ vọng Quy định 117 lần này cùng với những quy định khác nhanh chóng đi vào cuộc sống, để kịp thời bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung như Kết luận 14 của Bộ Chính trị, củng cố sức mạnh của tổ chức Đảng. Qua đó sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để cán bộ đảng viên yên tâm cống hiến, đương đầu với khó khăn, thử thách để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng TPHCM nói riêng, đất nước nói chung ngày càng phát triển.
Theo sggp.org.vn