Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp
Hôm nay, ngày 26/12, tại Thủ đô Hà Nội, chính thức khai mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam. Với chủ đề: “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Hợp tác-Phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028.
Sầu riêng - cây trồng chủ lực của Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành |
Đại hội diễn ra trong bối cảnh nước ta sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Giai cấp nông dân luôn được Ðảng ta quan tâm, chăm lo xây dựng, đã và đang từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trình độ, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, điều kiện ăn ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, số hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước và chiếm hơn 49% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, phát huy tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; từng bước làm chủ trong các phong trào phát triển nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Công tác Hội Nông dân cũng như phong trào nông dân đã hoàn thành cơ bản với hầu hết chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt đề ra. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức tốt các phong trào nông dân mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lao động nước ta đang có xu hướng già hóa và tình trạng phân tầng về thu nhập, sinh kế, cơ hội phát triển giữa các tầng lớp trong nội bộ giai cấp nông dân, giữa các giai tầng xã hội nông thôn…, hoạt động của Hội Nông dân các cấp đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số nơi còn hình thức nên hiệu quả chưa cao. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống hội viên, nông dân có nơi, có lúc chưa kịp thời. Tổ chức bộ máy của một số tỉnh, thành Hội chậm hoàn thiện, thiếu thống nhất, trình độ, năng lực cán bộ Hội ở một số cấp và nhất là cấp chi Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phong trào nông dân và hoạt động Hội phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể có nơi còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương…
Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Hội, giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu đó, cần đổi mới, sáng tạo, đa dạng các loại hình tập hợp, đoàn kết, vận động nông dân thông qua hoạt động chi, tổ Hội Nông dân, câu lạc bộ của nông dân theo nhu cầu nghề nghiệp, địa bàn dân cư.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện thông qua các giải pháp nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cộng đồng, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của bà con nông dân. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, hàng hóa, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn, trợ giúp pháp lý cho nông dân.
Phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông thôn với nông dân làm trung tâm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống, làm sâu sắc hơn năng lực làm chủ của nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả, củng cố vị thế, tiếp tục là điểm tựa vững chắc để hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng đất nước hùng cường.
Theo Báo điện tử Nhân Dân