Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chiến lược của tỉnh
(ABO) Ngày 31-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1762 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chiến lược của tỉnh.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Ảnh: Thái Thiện |
Nội dung Quy hoạch gồm các phần: Phạm vi, ranh giới quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu phát triển; Phương hướng phát triển ngành quan trọng, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; Phương án phát triển các khu chức năng; Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; Phương án quy hoạch xây dựng huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác, sử dung tài nguyên; phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.
Quy hoạch xác định, mục tiêu tổng quát Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Giai đoạn 2021 - 2030, Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0% - 8,0%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% - 43,5%; ngành dịch vụ chiếm 29,5% - 30,0%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 21,5% - 23,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9% - 10%/năm; phấn đấu đến năm 2030, tự cân đối thu chi ngân sách.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy…
Công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch tỉnh có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, tầm nhìn đột phá, chiến lược, tạo ra khung hành lang pháp lý để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Quy hoạch được lập trên phạm vi toàn tỉnh, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực. Sự kiện Thủ tướng Chính phủ ban hành Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1762 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển dài hạn của tỉnh.
Chính vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức vào ngày 4-1-2024, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đã yêu cầu nhiệm vụ trước tiên là khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư; trên cơ sở đó, thực hiện các quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và đầu tư công trung hạn nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng ổn định, bền vững, tạo động lực mới cho phát triển.
Như vậy, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt chỉ mới là kết quả bước đầu, vấn đề là triển khai thực hiện quy hoạch khoa học, bài bản sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
M.T