Cảm xúc tháng 2…
(ABO) Ngày 29-2, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả đáng ghi nhận không riêng của huyện Châu Thành, mà là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Lễ công bố xã Tân Hội Đông đạt chuẩn NTM năm 2015. Ảnh: D.S |
Chuyện ngày hôm qua
Nhân sự kiện có ý nghĩa này, tôi nhớ về những ngày cuối năm 2015, khi về xã Tân Hội Đông dự Lễ ra mắt xã NTM đầu tiên của huyện Châu Thành. Tôi nhớ cái cảm xúc của mình 8 năm trước, khi ngồi nghe tiếng trống lân chào mừng trong ngôi trường khang trang đạt chuẩn Quốc gia mà miên man nhớ tiếng trống của ngôi trường làng ẩm thấp ngày nào; nhớ ngôi chợ quê Cổ Chi rêu phong có tuổi đời hơn nửa thế kỷ với nhiều kỷ niệm tuổi thơ, nay đã được tháo dỡ, thay vào đó là Công viên Văn hóa xinh tươi của xã NTM, làm cho Khu phố chợ “xôm tụ” lên hẳn.
Tôi nhớ trận lụt lịch sử năm 1978, nước tràn về tận chợ Cổ Chi, cả xã gần như chìm trong biển nước; những bữa ăn cơm trộn khoai lang, những ngày ra ruộng diệt rầy nâu cứu lúa bằng… dầu nhớt; nhớ những con đường đất thịt trơn trượt của xóm bờ kinh, mỗi ngày mưa dẫn tụi tôi đến trường, ra ruộng, giăng câu; nhớ những tối âm u leo lét ngọn đèn dầu, chỉ biết quây quần bên nhau với cây đàn vọng cổ…
Công viên Văn hóa xã Tân Hội Đông. Ảnh: D.S |
Tất cả hình ảnh ấy giờ đã là quá khứ; bởi nay hệ thống giao thông nội, ngoại của xã đều đã kết nối liên hoàn; điện, nước, điện thoại đã ra tận cánh đồng xa. Nông dân quê tôi giờ đi thăm ruộng bằng xe máy, lúc giải lao có thể lên điện thoại thông minh để tìm kiếm tin tức thời sự; một chuyện mà ngày xưa, dẫu có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến. Tỉnh lộ 866 - con đường “đá đỏ” lông chông ngày nào nay đã láng nhựa, nhộn nhịp như phố thị; sáng chiều tấp nập xe chở công nhân ra vào Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang.
Làng quê Châu Thành, quê hương Tiền Giang đã thật sự khởi sắc.
Đường quê NTM xã Tân Hội Đông. Ảnh: D.S. |
Quê hương khởi sắc
Hình ảnh đổi thay của Tân Hội Đông và các xã lân cận thuộc "cánh họ" Tân của huyện Châu Thành như Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương.. là điển hình cho bộ mặt nông thôn Tiền Giang ngày nay; chuyển mình đi lên, thay da đổi thịt từng ngày sau gần 40 năm thực hiện chủ trương đổi mới. Trên con đường tác nghiệp của mình, tôi đã thấy nhiều sự đổi thay như thế từ phố thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh và khởi sắc rõ nhất là sự chuyển mình của những vùng quê.
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Long An (huyện Châu Thành). Ảnh: Tuấn Lâm |
Đặc biệt là qua phong trào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn nhiều vùng thay đổi rõ nét. Cụ thể, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là chất xúc tác cho giao thông nông thôn phát triển. Sự năng động, tích cực chăm lo đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ lãnh đạo tỉnh đến các huyện, thành, thị, cùng với sự tích cực của các đơn vị thi công, quản lý các dự án, nhất là sự đóng góp công sức, kinh phí rất nhiều của nhân dân, đã tạo cho bộ mặt giao thông tỉnh nhà ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt ấn tượng là kết quả xây dựng NTM trên địa bàn Tiền Giang.
Trong năm 2023, Tiền Giang đã có 142/142 xã đạt chuẩn NTM (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh trước 2 năm); có 11 xã được công nhận xã NTM nâng cao, lũy kế có 50 xã; có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, lũy kế đạt 4 xã và 2 huyện Châu Thành, Cái Bè đạt chuẩn huyện NTM, nâng tổng số có 6/8 huyện NTM và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang trong việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn, qua đó kiến tạo nâng cao chất lượng sống cho người dân từ thành thị đến nông thôn.
Người dân chỉnh trang đường nông thôn ở xã Bình Đức (huyện Châu Thành). Ảnh: Cao Thắng |
Đi, nghe, thấy và cảm nhận, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang có thể tự hào đã chung sức đồng lòng vượt qua nhiều thử thách, đóng góp đáng kể vào thành quả chung của cả nước, hướng tới một Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Tự hào nhiều, thì kỳ vọng cũng không ít. Nhân sự kiện huyện Châu Thành được công nhận huyện NTM; đứng ở cột mốc kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước, 40 năm thực hiện đường lối đổi mới nhìn về tương lai, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng sự nghiệp công nghiệp hóa, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nhà sẽ đạt những kết quả khả quan, nhanh chóng đưa Tiền Giang bứt phá vươn lên, ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt là hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2024, làm cơ sở để Đảng bộ Tiền Giang huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
DUY SƠN