.

Mở rộng đường cho phim đặt hàng

Cập nhật: 15:56, 24/02/2024 (GMT+7)

Những ngày đầu năm Giáp Thìn, bộ phim đề tài lịch sử được Nhà nước đầu tư 100% vốn sản xuất “Đào, phở và piano” bất ngờ gây sốt vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), trở thành hiện tượng lạ với điện ảnh Việt. Đằng sau niềm vui phim sử Việt hút khách lại là câu chuyện nỗi niềm “phim đặt hàng” đã không ít lần được nhắc đến.

Dư luận nhiều năm qua còn đề cập đến thực tế, những phim sản xuất từ kinh phí nhà nước khá chênh vênh về đầu ra, lặng lẽ sau những suất chiếu ra mắt. Nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng như “Bình minh đỏ”, “Phơi sáng”... dù được giới chuyên môn ghi nhận, tạo hiệu ứng tốt nhưng vẫn gợi không ít băn khoăn khi mới chỉ được trình chiếu trong các dịp kỷ niệm, các kỳ liên hoan hoặc đưa về địa phương chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị. Con đường đưa tác phẩm Nhà nước đặt hàng đến với khán giả theo con đường thương mại chiếu rạp vẫn luôn là bài toán khó giải.
"Đào, phở và piano" trở thành hiện tượng phim Việt khi liên tục cháy vé. Ảnh minh họa: hanoionline.vn
“Đào, phở và piano” là bộ phim truyện điện ảnh thuộc thể loại chiến tranh lãng mạn của Việt Nam năm 2023, do Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn đạo diễn; Công ty Cổ phần Phim truyện I thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Tác phẩm tái hiện trận chiến Hà Nội Đông Xuân kéo dài 60 ngày từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947. Nhiều khán giả nhận định phim có mùi súng đạn, có hoang tàn, đổ nát, có cả máu và nước mắt nhưng cũng có tiếng đàn piano chạy dài như một khúc trữ tình của Hà Nội, có những cánh hoa đào bay phấp phới trong gió réo gọi tự do, có mùi thơm của phở, có môi thắm má hồng và tình yêu đôi lứa...

Tất nhiên, bên cạnh nội dung tốt cần phải thẳng thắn nhìn nhận phim sở dĩ thu hút được sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là của giới trẻ là nhờ nhận được tác động truyền thông tốt từ xã hội. Song, không thể phim nào cũng trông chờ may mắn như vậy, mà cần phải có công tác truyền thông chuyên nghiệp.

Thực tế những ngày qua cho thấy, bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng đang lúng túng. Bởi đến nay, chưa có quy định về trích tỷ lệ % phát hành phim do Nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp chiếu tư nhân cũng như kinh phí cho việc quảng bá... Bên cạnh đó còn gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách. Sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gặt hái nhiều thành công, điện ảnh Việt chưa có tác phẩm phim sản xuất từ nguồn kinh phí công - tư hoặc sử dụng ngân sách nhà nước được phát hành rộng rãi, đạt doanh thu cao từ các rạp chiếu.

Liên quan tới việc “Đào, phở và piano” đang tạo sức hút cho các phòng vé, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có thông cáo khẳng định đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng. Kỳ vọng rằng, hiện tượng “Đào, phở và piano” sẽ gỡ nút thắt không chỉ trong tư duy của người quản lý, người làm phim được Nhà nước đặt hàng mà còn mở rộng đường cho việc hợp tác công-tư trong điện ảnh, tạo đà phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.