Thận trọng với 'quyền được chết'
Vào một buổi tối, phòng cấp cứu bệnh viện chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân nữ 70 tuổi, được đưa đến do đột nhiên yếu liệt nửa người, ý thức lơ mơ.
Các bác sĩ tiến hành lấy tạng của bệnh nhân chết não ở Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp |
Chúng tôi xử lý cấp cứu rồi chụp cắt lớp sọ não. Kết quả là có xuất huyết thân não. Đây là một dạng xuất huyết não nguy hiểm, do thân não có các trung tâm điều khiển tim mạch và hô hấp, người bệnh có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Chúng tôi giải thích với người nhà rồi cho chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến tỉnh. Hôm sau người nhà xin đưa ra Hà Nội. Đến trưa thì tình trạng bệnh nhân nặng lên, chìm vào hôn mê sâu. Bác sĩ ở bệnh viện trung ương giải thích với gia đình và đặt ống để bệnh nhân thở máy rồi cho về.
Trên đường về, mấy người con thương mẹ, không ai dám tự tay rút ống thở, nên đưa thẳng tới bệnh viện chúng tôi để bà được thở máy tiếp, khi nào mất mới đem về nhà. Thế là sau một ngày đi lên tỉnh rồi trung ương, bệnh nhân lại quay về với chúng tôi.
Tuy người nhà chỉ gửi để "chờ", nhưng chúng tôi tiếp nhận với sự khẩn trương nhất, triển khai tất cả biện pháp điều trị có trong tay. Gia đình người bệnh cũng không mấy hy vọng. Người quen, họ hàng kéo đến thăm, rồi bàn bạc về tang lễ. Chúng tôi vẫn lặng lẽ theo sát bệnh tình.
Bất ngờ đến vào ngày thứ sáu, cô con gái thảng thốt gọi tôi: "Bác sĩ ơi, mẹ em mở mắt". Tôi chạy tới thì đúng vậy, người bệnh đã tỉnh, có đáp ứng khi cấu véo. Khi tỉnh lại bà phục hồi rất nhanh, chỉ ngày hôm sau đã nhận biết, làm theo y lệnh. Gia đình vui mừng, người mẹ cũng ứa nước mắt khi nhìn thấy người thân.
Chúng tôi tiếp tục kết hợp với bệnh viện tuyến trên điều trị thành công ca này. Sau hơn 20 ngày, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh táo, có một ít di chứng vận động, được ra viện về nhà trị liệu thêm.
Câu chuyện trên là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời hành nghề y của tôi. Và tôi biết bác sĩ nào trong đời cũng có ít nhiều kỷ niệm đẹp như thế. Bạn đọc chắc cũng từng nghe thấy nhiều câu chuyện tương tự về những người bị bệnh viện trả về chờ chết sau đó lại sống mạnh khỏe.
Vì thế khi theo dõi cuộc bàn luận về quyền được chết gần đây, dù rất tôn trọng nguyện vọng cá nhân trong một số trường hợp cụ thể, tôi thấy vẫn nên có sự thận trọng cao với vấn đề an tử.
Sống là bản năng mạnh nhất của sinh vật. Chỉ nói riêng ở động vật, khi đứng trước hiểm họa, chúng lập tức có phản ứng chạy trốn, tự vệ. Thậm chí ngay lúc cận kề cái chết, cơ thể chúng vẫn có những phản ứng tuyệt vọng để kháng cự như giãy giụa, tăng nhịp thở, tăng nhịp tim...
Thời gian sống dài ngắn của một sinh vật, nói dân dã, là do "số trời". Ngày nay khoa học khám phá ra cái đồng hồ quy định thời gian sống của mỗi sinh vật nằm trong bộ gen của cá thể đó. Ở phần cuối của một nhiễm sắc thể, có một bộ phận gọi là telomere, mỗi khi tế bào phân chia thì phần telomere này ngắn đi một chút, đến khi phần telomere này hết thì tế bào không phân chia được nữa và sinh vật sẽ chết. Năm 1984, Elizabeth Blackburn và Carol Greider phát hiện ra telomerase, một enzym giúp kéo dài đoạn telomere, từ đó giúp hiểu sâu hơn về quá trình lão hóa. Nhờ nghiên cứu này, hai người cùng với Jack W. Szostak được trao giải Nobel Y Sinh năm 2009.
Lý tưởng nhất là mỗi người được sống hết quãng thời gian mà tự nhiên ban tặng. Nhưng do chiến tranh, tai nạn, bệnh tật mà không phải ai cũng có thể hưởng hết số tuổi trời cho. Nâng cao tuổi thọ người dân là mục tiêu phấn đấu của xã hội và tuổi thọ trung bình cao là tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội.
Đứng về góc độ sinh học thì không nên có "quyền được chết". Nhưng thực tiễn có những trường hợp đặc biệt, khi cái chết được coi như một sự giải thoát. Vì vậy, luôn có một bộ phận đấu tranh để được an tử, gián tiếp công nhận "quyền được chết". Tuy nhiên đến nay, vẫn chỉ một số ít quốc gia cho phép an tử và trợ tử. Tại sao hầu hết các nước lại thận trọng?
Vì sự sống là quý giá và mỗi người chỉ có một lần được sống, nên các quy định về an tử cần phải rất chặt chẽ. Đến nay, vẫn có nhiều cách hiểu về an tử, nhưng nhìn chung các chuyên gia cho rằng an tử bao gồm những điều kiện sau:
Thứ nhất, việc chấm dứt cuộc sống phải là ý chí chủ quan của bệnh nhân, không bị ép buộc bởi bất cứ chủ thể nào khác. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của quyền an tử.
Thứ hai, đối tượng là những người không còn khả năng cứu chữa. Yếu tố này sẽ giúp phân biệt hành vi an tử và tự tử, cũng như phân biệt an tử và việc trợ giúp, xúi giục người khác tự tử. Bệnh nhân phải ở trong tình trạng không còn khả năng cứu chữa, do hội đồng bác sĩ kết luận.
Thứ ba, cách thực hiện ít hoặc không gây đau đớn. An tử tức là cái chết nhẹ nhàng, êm ái, là cái chết nhân đạo. Vì thế cách thức thực hiện cũng phải hạn chế đến mức thấp nhất đau đớn cho bệnh nhân, giúp họ ra đi một cách thanh thản, chấm dứt cuộc sống đau đớn đã kéo dài.
Thứ tư, vì lợi ích của người được an tử. An tử trên hết phải với mục đích đem lại sự thanh thản cho người bệnh, giúp họ không phải chịu đựng những ngày tháng đau đớn, chứ không phải vì bất kỳ lợi ích kinh tế hay nguyên nhân từ chủ thể nào khác (gia đình, xã hội).
Nếu không soi xét đến đầy đủ các điều kiện trên, việc ủng hộ an tử có thể rơi vào cảm tính. Và nếu không thận trọng, hợp thức hóa an tử sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về pháp luật và đạo đức, ảnh hưởng đến quyền cơ bản nhất của con người, là quyền được sống.
Hippocrates, ông tổ ngành y phương Tây, được cho là người đầu tiên chống đối trợ tử. Trong lời thề Hippocrates, ông kêu gọi thầy thuốc "không bao giờ cho ai một liều thuốc độc dù người đó yêu cầu, và không bao giờ gợi ý về điều đó".
Nhưng từ thực tiễn chữa bệnh, tôi thấy thống kê số bệnh nhân tử vong ở bệnh viện luôn ở mức thấp, vì người bệnh đã phần lớn về chết ở nhà. Đó chính là hiện tượng "xin về, cho về" đang diễn ra hàng ngày. Bệnh nặng, già yếu, hết tiền, không có người chăm sóc... là những lý do để đưa người bệnh về nhà chờ chết. Và trong điều kiện ở nhà không có trợ giúp y tế, những giờ phút cuối đời mới thật khủng khiếp.
Chính từ thực tế này tôi ủng hộ việc đưa ra bàn luận về luật an tử, để người dân có kiến thức rõ ràng, giúp phân biệt khi nào gọi là "an tử", khi nào là "tự tử", thậm chí khi nào là "bức tử".
Nhưng an tử không phải là cách duy nhất để ra đi bình an. Y học hiện đại cũng đã có đủ thuốc men giúp làm dịu các cơn đau cuối đời. Chính việc phát triển chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ mới là giải pháp nhân văn và khả thi, thay vì luật hóa khi chưa đảm bảo giám sát tốt các điều kiện cần và đủ của an tử.
Sự sống luôn không dễ dàng nhưng xứng đáng để phấn đấu.
(Theo vnexpress.net)