Thứ Hai, 08/04/2024, 09:45 (GMT+7)
.

Thấy gì qua chỉ số PAPI

Sự kiện công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 vừa diễn ra.

Các chỉ số PAPI đưa ra là kết quả phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm qua. 

Kết quả công bố cho thấy, trong 8 chỉ số PAPI thì chỉ có kiểm soát tham nhũng khu vực công và quản trị điện tử đạt mức điểm cao, còn lại các chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công... không thay đổi.

Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn
Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn

Đáng lo nhất là chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương. Có 23 tỉnh, thành phố giảm đáng kể mức điểm đối với chỉ số về công khai, minh bạch so với năm 2021, nhất là về nội dung công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã; lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương.

Dù là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tham nhũng và tạo dựng lòng tin cho nhân dân, nhưng nhìn lại kết quả PAPI nhiều năm trước, chỉ số công khai, minh bạch luôn ở mức điểm thấp. Có hay không những khuất tất, nên việc công khai, minh bạch luôn như trong bức màn mờ ảo? Vì sao “lò lửa” liên tục đốt nhưng các vụ án tham nhũng lớn vẫn xảy ra?

Xét cho cùng chính việc chưa công khai, minh bạch đã tạo ra “mảnh đất” màu mỡ cho những cái vòi bạch tuộc của tham nhũng bám vào. Chẳng hạn, vì không công khai, minh bạch nên hai công chức của UBND xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mới có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ăn chặn 88 triệu đồng từ khoản hỗ trợ tiền điện đối với các hộ nghèo; cán bộ ở xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã bị bắt vì ăn chặn 300 triệu đồng tiền chế độ, chính sách trong nhiều tháng...

Không đơn giản mà chỉ số PAPI đưa những nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân và công khai, minh bạch làm chỉ số đánh giá đầu tiên trong xếp hạng. Hay trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại dành riêng một mục trong bài viết tổng quan nói về việc cần “Tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực”.

Bởi thực tế người dân chính là những “mắt thần” giám sát hiệu quả mọi hành động. Và một khi công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình càng cao thì càng tạo điều kiện cho các chủ thể giám sát có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng là biện pháp đầu tiên và tốt nhất để chống lạm dụng quyền lực-mầm mống dẫn đến sự tha hóa và tham nhũng.

Suy cho cùng, Báo cáo PAPI 2023 trình bày những con số thống kê khá khô khan nhưng nếu các cấp chính quyền biết lắng nghe thì nó sẽ trở nên có hồn, “biết nói”. Bởi đây là luận cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để tăng hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đóng góp cho phát triển quốc gia.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.