Nhiều lỗ hổng trong kiểm tra, thực hiện
Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, đặt ra những tiêu chuẩn lao động mới, trong đó có các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận các chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, xu thế này khiến các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt sự cạnh tranh về giá, họ tạo áp lực lên lao động để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn đến xu hướng giảm đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, hiện công tác tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp, đơn vị chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu sâu sát.
Soi chiếu vào các quy định, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hệ thống pháp luật liên quan công tác an toàn, vệ sinh lao động đã tương đối đầy đủ, như Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục nghề nghiệp… Các quy định về lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, khí, điện, xây dựng cũng đã được ban hành.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, còn rất nhiều lỗ hổng về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là ở khâu kiểm tra, giám sát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa coi công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều người lao động và người sử dụng lao động còn chủ quan, lơ là…
Nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa an toàn tại nơi làm việc, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan sức khỏe người lao động, bảo vệ chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nhưng chúng ta chưa làm được. Cụ thể, câu chuyện về văn hóa an toàn tại nơi làm việc đến nay mới chỉ phôi thai một vài mô hình và bước đầu có những nghiên cứu.
Tăng tư vấn và xây dựng quy chuẩn cho các ngành nghề mới
Ông Nguyễn Anh Thơ kiến nghị: “Tới đây, cần xây dựng các quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động cấp quốc gia đối với những ngành nghề mới để bảo vệ sức khỏe lâu bền cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chuẩn bị triển khai đề án Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Mong rằng đề án sớm được triển khai sâu rộng, để ý thức về bảo vệ an toàn lao động sẽ được cải thiện rõ nét hơn”.
Cũng cần điều chỉnh các quy định về công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định ở các doanh nghiệp theo hướng lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, mở rộng ra cả khu vực không có quan hệ lao động. TS Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nghiên cứu ban hành các quy định về thanh tra phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội, thúc đẩy xã hội hóa công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa tiếp cận được các quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động của quốc tế. Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần sớm ban hành các quy định khuyến khích các tổ chức, đơn vị tư vấn về an toàn lao động cho các doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc, dựng được nhà xưởng, trả lương cho công nhân đã rất vất vả. Dù họ có ý thức về an toàn lao động, nhưng chưa hành động đúng, kịp thời. Do đó cần các cấp quản lý, chuyên gia, nhà khoa học giúp đỡ, chỉ cho họ phải thực hiện an toàn lao động như thế nào”, ông Thịnh kiến nghị.
(Theo nhandan.vn)