.

Học tập và làm theo Bác: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Cập nhật: 15:41, 28/05/2024 (GMT+7)

Trong tác phẩm tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư (tháng 6-1949), Bác Hồ đã nói rất rõ, cặn kẽ, dễ hiểu những phẩm chất đạo đức cách mang không thể thiếu của người cách mạng cần có là  cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người luôn coi đó là những phẩm chất phải luôn gắn liền với lời nói, việc làm, cử chỉ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính Người là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập.

Di nguyện thiêng liêng để lại, Bác căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Điều 3 Quy định 144 của Bộ Chính trị, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được ban hành nêu chuẩn mực đạo đức cách mạng Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

(1)Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

(2) Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.

(3). Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

(4). Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.

(5). Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có 5 điều, điểu nào cũng quan trọng; trong từng điều có nêu rõ từng khoản của chuẩn mực cụ thể. Đối với người cán bộ, đảng viên chỉ cần làm trái một khoản của một điều nào đó là đã gây tổn hại toàn bộ đến đạo đức cách mạng của mình. Ví dụ như ở điều 3 Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chỉ cần cán bộ, đảng viên không liêm thì nó sẽ phá hỏng các phẩm chất còn lại là cần, kiệm, chính, chí công vô tư, dẫn đến suy thoái.

Vì thế, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo 5 chuẩn mực trên, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ, thường xuyên, liên tục nội dung 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là công việc mỗi người phải làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”, bởi theo Bác, ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

M.T

.
.
.