Đừng để phải "cứu"... hàng cứu trợ!
Nhiều hàng cứu trợ gửi lên vùng lũ, chủ yếu là đồ ăn nhanh phải chất dồn lại do công tác cứu trợ khá nguy hiểm trong điều kiện nước ngập, chảy xiết, sạt lở... nên không thể gửi đến tay bà con. Lực lượng chức năng một số nơi ngoài việc cứu hộ lại phải thêm việc cứu... hàng cứu trợ.
Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc nước ta. Con số người thiệt mạng, mất tích ngày một tăng; hàng trăm nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước, nhiều người lâm cảnh màn trời chiếu đất... khiến người dân cả nước vô cùng đau buồn.
Hơn lúc nào hết, trong hoạn nạn, truyền thống sẻ chia, lá lành đùm lá rách, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của người Việt Nam như được nhân lên gấp bội. Các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương đang dồn toàn lực giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân vùng ảnh hưởng. Cùng với đó, người dân cả nước cũng hướng về đồng bào trong cơn hoạn nạn bằng những hành động thiết thực.
Những món quà nhỏ bé nhưng ấm áp của người dân tại các tỉnh, thành gửi đến người dân vùng mưa lũ. |
Những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S. Đó là những người dân thức xuyên gói bánh chưng, làm cơm nắm muối vừng… gửi đến người dân vùng lũ. Là những chuyến xe đong đầy nghĩa tình chở thuyền, áo phao cùng thực phẩm đã và đang vượt hàng trăm, hàng nghìn km hướng về Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… Là những tình nguyện viên ở khắp cả nước sẵn sàng lên đường đến cứu trợ vùng lũ.
Không thể thống kê hết những nhóm, cá nhân thiện nguyện đã kịp thời đến động viên chia sẻ, trao tặng những món đồ nhu yếu phẩm cần thiết giúp bà con dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Cũng không thể đong đếm hết nghĩa tình đồng bào trong bão, lũ.
Dẫu vậy, đằng sau đó cũng có những vấn đề đặt ra cần được tính toán để hoạt động cứu trợ thiện nguyện được thực hiện một cách bài bản, hợp lý hơn.
Trước hết, việc tham gia cứu hộ, cứu nạn trong hoàn cảnh thiên tai phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, tâm lý các đoàn cứu trợ thường muốn tận tay trao hàng cứu trợ cho bà con. Nhiều đoàn tự tổ chức thuyền đi thẳng đến các vùng ngập lụt. Các đoàn cứu trợ tự phát vừa chưa thông thạo địa hình, lại thực hiện cứu trợ trong điều kiện bị ngập sâu, nước chảy xiết, khó di chuyển là rất nguy hiểm.
Thực tế rất đau lòng đã xảy ra, vào sáng 10/9, một đoàn cứu trợ tại vùng ngập lụt ở TP Yên Bái bất ngờ bị lật thuyền trong lúc tiếp tế người dân. Sự việc làm một người bị thương, một người tử vong. Chưa kể, nhiều trường hợp khác lạc đường, bị thương… trong quá trình đi trao quà từ thiện.
Một điều khác cần nhìn nhận là thiếu sự điều phối, không có cầu nối giữa các đoàn cứu trợ đã dẫn đến sự chồng chéo. Hiện nay, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng "quà cứu trợ chỗ thừa, chỗ thiếu”. Có nhà nhận vài thùng mì ăn liền nhưng có nhà thì không. Có nơi thì đón tiếp nhiều đoàn cứu trợ, có nơi lại ít được quan tâm.
Ở một số địa điểm, hàng cứu trợ mà chủ yếu là đồ ăn nhanh, phải dồn lại quá nhiều, chưa thể gửi đến tay bà con. Lực lượng chức năng một số nơi vừa phải cứu hộ, vừa phải thêm việc "cứu" ... hàng cứu trợ mà người dân gửi đến. Nhiều thực phẩm khi đến tay được tay người dân lại hư hỏng, không dùng được. Điều này dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và cả tấm lòng của nhiều người dân cả nước khi những món quà cứu trợ không đến được tay người dân vùng lũ.
Những vấn đề trên, không phải đến bây giờ mới được nhìn nhận. Chuyện tương tự đã diễn ra ở các tỉnh miền Trung trong những mùa mưa lũ trước. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện về nhiều chiếc bánh chưng thiu hỏng bị vứt bỏ dọc đường cứu trợ hay hình ảnh nhiều tải quần áo cứu trợ bị bỏ lại bên đường.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đoàn cứu trợ tới các địa phương cần nắm rõ nguyên tắc cần bảo vệ cho chính mình trước tiên. Những người trực tiếp đi cứu trợ cần có sức khỏe tốt, cần kỹ năng cần thiết như: bơi tốt, có khả năng lái xe, lái thuyền xuồng hoặc ca nô, có chuyên môn y tế thì càng tốt… Cần chuẩn bị phương tiện bảo hộ cá nhân bao gồm: áo phao, đèn pin sạc dự phòng, loa tay, khăn mặt khô, nilon… Và phải hành động căn cứ vào cảnh báo, dự báo và biển báo của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, những người cứu trợ cũng cần lưu ý đến các kỹ năng khi làm việc nhóm. Cần bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên người trong đoàn cứu trợ với nhau và với những người dân địa phương để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho người được cứu trợ.
Nguyên tắc khác cũng cần ghi nhớ trong quá trình cứu trợ là giúp những gì người dân cần thay vì mình giúp những gì mình có. Khi tham gia ứng cứu vùng lũ, người dân cần tìm đầu mối liên hệ ở địa phương như công an, bộ đội hoặc chính quyền. Việc này giúp tránh tình trạng hàng cứu trợ chất đống nhưng nhiều người dân vùng lũ vẫn đói. Bởi rõ ràng, chính quyền địa phương biết rõ nhất ai cần giúp đỡ, giúp đỡ ở mức độ nào là phù hợp..
Hơn nữa, việc liên hệ các đầu mối địa phương cũng giúp cập nhật tình hình nước lũ và tiếp cận vùng lụt theo hướng dẫn của các đơn vị đó để đảm bảo an toàn; không gây thêm khó khăn và mất thời gian cho đội ngũ cứu hộ tại hiện trường.
Bão lũ đã cuốn trôi, làm hư hỏng nhiều ngôi nhà, làm gián đoạn nguồn cung cấp nước thiết yếu cho các hộ gia đình. Lũ lụt cũng làm hư hỏng nhiều công trình “đường, điện, trường, trạm” - hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở mọi địa phương. Những sự tàn phá nặng nề này không thể ngày một ngày hai có thể sửa chữa, khắc phục ngay được mà có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Bên cạnh nguồn lực từ Chính phủ, sự tái thiết này chắc chắn cần rất nhiều nguồn lực từ xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh cứu trợ khẩn cấp, các đoàn thể, cá nhân cũng có thể tính toán những mục tiêu hỗ trợ khác mang tính lâu dài hơn. Chẳng hạn, dành nguồn lực hỗ trợ về y tế, vệ sinh môi trường hay hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa; hỗ trợ học bổng các em học sinh, sinh viên khó khăn…
Hằng năm, nước ta thường chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... có sức tàn phá khủng khiếp. Trong hoạn nạn, sự yêu thương, sẻ chia của người dân Việt Nam là vô bờ bến mà không cầu đáp lại. Hoạt động cứu trợ vùng lũ của các nhóm, cá nhân là một minh chứng rõ nét cho điều ấy.
Có điều, để không phải "cứu" hàng cứu trợ, tránh lãng phí nguồn lực, lãng phí cả... tình cảm của nhiều người - chuyện đã diễn ra ở một số nơi từ những mùa mưa lũ trước và có thể cả ở những mùa mưa lũ sau này, thì hoạt động cứu trợ cần phải được thực hiện một cách bài bản, hợp lý hơn. Chúng ta rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa những người làm từ thiện với chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương. Có thể cần tính toán hình thành mạng lưới điều phối để hướng dẫn các đoàn cứu trợ đến những nơi thực sự cần thiết. Nếu được như vậy, hoạt động cứu trợ thiện nguyện mới thực sự có ý nghĩa trọn vẹn hơn!.
Theo dangcongsan.vn