Sáng suốt giới thiệu, lựa chọn trưởng ấp (khu phố) đủ tiêu chuẩn
(ABO) Ấp (khu phố) tuy không phải là một cấp hành chính nhưng là địa bàn quan trọng để phát huy dân chủ và các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, công tác giảm nghèo, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vv… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, đội ngũ Trưởng ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (1.005 ấp, khu phố) đã phối hợp với Ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố trong phát huy và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cầu nối giữa chính quyền địa phương với nhân dân. Đội ngũ này đã có những cống hiến tâm huyết, trực tiếp thực hiện vai trò, trách nhiệm được giao từ Đảng, chính quyền. Mọi chủ trương, chính sách từ xã, ấp triển khai xuống đều phải qua trưởng ấp (khu phố). Đây là những đóng góp to lớn, thầm lặng đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị, vận động quần chúng nhân dân tại cơ sở.
Thông qua cuộc bầu cử trưởng ấp (khu phố) để giới thiệu, lựa chọn người đủ năng lực, uy tín, đạo đức, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm để điều hành các hoạt động của ấp (khu phố) theo quy định pháp luật và tổ chức cho nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao; chăm lo và phục vụ các quyền, lợi ích của chính người dân và của ấp (khu phố).
Tiêu chuẩn trưởng ấp (khu phố) được quy định rõ tại Điều 11 Thông tư 04/2012 của Bộ Nội vụ, cụ thể: Có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở ấp, tổ dân phố; đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác; có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.
Cử tri đại diện hộ gia đình ở ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy) phát biểu thảo luận các nội dung thực hiện bầu cử. Ảnh: Văn Thảo |
Đến nay, toàn tỉnh có 10/11 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành công tác bầu cử điểm trưởng ấp (khu phố) nhiệm kỳ 2024 - 2029. Riêng huyện Gò Công Tây sẽ tổ chức bầu cử trưởng ấp (khu phố) điểm vào ngày 6-10. Sau đó, các địa phương sẽ họp rút kinh nghiệm để triển khai tại các ấp (khu phố) còn lại; để hoàn thành công tác bầu cử trưởng ấp, khu phố sớm nhất là vào ngày 11-10 và chậm nhất vào ngày 31-10.
Vì vậy, thời gian tới đại diện hộ cử tri trong ấp (khu phố) trêh địa bàn tỉnh cần quán triệt ý nghĩa của việc bầu cử trưởng ấp (khu phố) nhiệm kỳ 2024 - 2029 là nhằm tiếp tục tăng cường, củng cố hơn nữa chất lượng hoạt động của trưởng ấp (khu phố); góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa bàn dân cư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị của ấp (khu phố).
Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt giới thiệu, lựa chọn trưởng ấp (khu phố) đảm bảo tiêu chuẩn, đủ năng lực, uy tín, đạo đức, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm để điều hành các hoạt động của ấp (khu phố) theo quy định pháp luật và tổ chức cho nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
M.T