Không còn chọn lựa nào khác
Cái khó mà những nỗ lực chống biến đổi khí hậu phải đương đầu là sự tốn kém của các bên, sự thiệt hại của một số bên và sự vuột mất cơ hội của nhiều bên khác.
Chẳng hạn, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo có nghĩa hàng loạt công ty khai thác dầu mỏ truyền thống sẽ giảm doanh thu, hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp; các kế hoạch điện than bị phá vỡ. Nông dân chuyển sang phương thức trồng lúa ít phát khí thải hơn sẽ phải tốn công, tốn sức và chi phí canh tác sẽ tăng lên.
Thậm chí một số nước Bắc Âu còn mạnh tay đến độ ra luật hạn chế số lượng gia súc nông dân có thể nuôi để giảm tác động lên khí hậu nhưng rõ ràng sẽ gây thiệt hại cho những người có thu nhập thấp.
Tình trạng khô hạn, thời tiết thất thường ảnh hưởng mạnh đến canh tác lúa, lương thực ở Đông Nam Á và Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ chú trọng hơn đối với các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp sinh kế người dân. Ảnh: IRRI |
Chính vì vậy nhà kinh tế học Dani Rodrik đã đưa ra một khái niệm “bộ ba bất khả thi” mới - cái ông gọi là “thế tam nan chính trị của nền kinh tế thế giới”. Đại khái ông cho rằng không thể “đồng thời chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tầng lớp trung lưu ở các nước giàu và giảm nghèo toàn cầu”. Cứ nhắm hai mục tiêu thì sẽ vuột mất mục tiêu thứ ba.
Thực tế các nước giàu như Mỹ và châu Âu đang chuyển sang thúc đẩy kinh tế xanh, hỗ trợ tầng lớp trung lưu bằng cách khuyến khích sản xuất nội địa nhưng trong quá trình đó gây khó khăn cho các nước nghèo. Chẳng hạn EU đòi hỏi các nhà sản xuất từ các nước đang phát triển phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt như hàng họ mua phải được sản xuất bằng điện mặt trời chẳng hạn.
Biết là thế nhưng thực tế gần đây cho thấy cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu là cực kỳ lớn. Thời tiết cực đoan đã gây lũ lụt, bão dữ, hạn hán, cháy rừng, sụt lở đất khắp nơi, gây thiệt hại phải tính bằng con số hàng ngàn tỉ đô la. Chỉ riêng cơn bão Yagi, theo ước tính ban đầu, đã gây thiệt hại lên đến 81.500 tỉ đồng cho các tỉnh ở phía Bắc, làm GDP nước ta có thể giảm 0,15%. Tuân thủ các yêu cầu để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu có thể gây tốn kém, đặt ra những khó khăn mới, thách thức mới nhưng vì lợi ích của chính người dân nước ta, chúng ta không còn lựa chọn nào khác là xây dựng chiến lược phát triển theo hướng đó.
Việt Nam là một nước có độ mở đối với nền kinh tế rất lớn; cần xem các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các đối tác thương mại là động lực để chúng ta chuyển sang một nền kinh tế xanh thực chất. Từ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đến ưu tiên phát triển các ngành thân thiện với môi trường như giảm khí thải trong canh tác, chăn nuôi, ưu tiên sử dụng xe điện trong vận tải... các biện pháp như thế không chỉ để tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu mà còn giúp chúng ta trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu thực chất.
Đã đến lúc các kế hoạch phát triển dài hạn của chúng ta được điều chỉnh để bổ sung các yêu cầu của một nền kinh tế xanh như thật sự ưu tiên cho các nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo, lưu ý đến các kịch bản nước biển dâng đối với nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đặt ra những tiêu chí nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, hạn chế các ngành gây ô nhiễm...
Trong quá trình rà soát này, rất có thể chúng ta sẽ phải giảm ưu tiên cho tốc độ phát triển mà chú trọng hơn vào tính bền vững, sức chịu đựng trước một thiên nhiên đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Đó cũng là xu hướng của thế giới nếu muốn cứu lấy Trái đất này.
(Theo thesaigontimes.vn)