.

Từ việc giám đốc sở công khai chấn chỉnh cấp dưới… "ôm việc"

Cập nhật: 12:31, 19/11/2024 (GMT+7)

Tính chất nghề nghiệp khiến tôi có nhu cầu thường xuyên theo dõi thông tin về hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Trong đó, tôi rất lấy làm tâm đắc với việc ngày 6-11-2024, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM có Văn bản 11663/STNMT-VPĐK chấn chỉnh các văn phòng đăng ký đất đai vì tùy tiện ôm đồm công việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động.

Đây là hành động tích cực của người đứng đầu một trong những cơ quan quan trọng, có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân hiện nay: Lĩnh vực đất đai. Nó cho thấy cách xử lý dứt khoát, minh bạch và đúng luật trước vấn đề bức xúc của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước của người có thẩm quyền.

Tôi cho rằng việc ban hành văn bản trên là “dũng cảm” bởi vì, trước cái sai của các đơn vị trực thuộc, thay vì có thể chấn chỉnh, nhắc nhở thông qua các cuộc họp nội bộ, giám đốc sở đã “bố cáo” bằng văn bản công khai, phân tích cặn kẽ, có cơ sở pháp lý thuyết phục cho chỉ đạo của mình. Một mũi tên trúng ba đích: Mạnh dạn chỉ ra, thừa nhận cái sai của đơn vị mình (cấp dưới); chấn chỉnh lề lối làm việc trong nội bộ; minh bạch với người dân quan điểm quản lý nhà nước của cơ quan mình, để người dân biết và giám sát. Ít nhất thì người dân đã biết quan điểm rõ ràng của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề liên quan và có cơ sở trực tiếp (công văn chỉ đạo) để “cãi” khi có đơn vị cấp dưới hay cán bộ tiếp tục lạm quyền, vi phạm.

Cách xử lý thế này hẳn sẽ góp phần tạo tâm lý yên tâm nơi người dân khi liên hệ phản ánh những bức xúc của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, rằng những ý kiến chính đáng sẽ được xem xét phù hợp, thỏa đáng trên cơ sở quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước.

Quay lại công văn chỉ đạo nói trên, việc này xuất phát từ thực tế thời gian gần đây khi người dân đi đăng ký biến động đất đai, cụ thể là đăng ký sang tên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại nhiều chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại TPHCM, họ gặp tình trạng cơ quan, cán bộ đăng ký không chỉ căn cứ vào thông tin trên giấy tờ, hồ sơ hợp pháp đã được cấp mà còn thực hiện kiểm tra thực địa bất động sản để phát hiện việc xây dựng sai phép, không phép. Thủ tục phát sinh thêm này khiến cho việc đăng ký biến động bị trì hoãn để chờ kết quả kiểm tra. Đối với những chủ sở hữu bất động sản “lỡ” làm thay đổi hiện trạng, dù ít dù nhiều, so với giấy tờ đã được cấp, dựa trên phát hiện của… cơ quan đăng ký đất đai, hồ sơ sẽ bị trả lại, không thể đăng ký biến động.

Tình huống trên khiến nhiều người lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Việc làm ăn, kinh doanh theo đó sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu phụ thuộc vào kết quả của việc đăng ký biến động để xử lý công việc liên quan. Nhiều người chỉ biết tự nhủ “bụng làm dạ chịu” khi tự tiện cơi nới, thay đổi hiện trạng và bị “cơ quan có thẩm quyền” phát hiện, từ chối đăng bộ sang tên.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan “không có thẩm quyền”, không được pháp luật giao nhiệm vụ kiểm tra hiện trạng bất động sản khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ. Công văn chỉ đạo ở trên đã chỉ ra hàng loạt căn cứ pháp lý rõ ràng cho thấy việc không có thẩm quyền này. Thậm chí, theo văn bản này, mới đây thôi, Quyết định 17/2024/QĐ-UBND ngày 1-4-2024 của UBND TPHCM về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; trách nhiệm kiểm tra, phát hiện những vi phạm trật tự xây dựng thuộc cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

Chưa kể, nếu việc kiểm tra, giám sát của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như nêu ở trên vì lý do nào đó mà chưa kịp thời phát hiện vi phạm (nếu có), theo quy định, chủ sở hữu tài sản vẫn là bên cuối cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện giao dịch nếu tài sản đã có thay đổi so với giấy chứng nhận đã cấp(1). Như vậy, rõ ràng việc liên tục kiểm tra lại hiện trạng nhà đất để phát hiện vi phạm mỗi khi người dân làm thủ tục đăng ký biến động sang tên, đổi chủ là không thật sự cần thiết.

Hơn ai hết, các cơ quan đăng ký đất đai phải nắm rõ những quy định này mà không đợi tới sự nhắc nhở của lãnh đạo cấp trên. Nhưng trên thực tế, “nút thắt” thủ tục vẫn được tạo ra một cách tùy tiện. Điều này rõ ràng, như khẳng định trong công văn chấn chỉnh của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, là “không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân”.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.