.

Lựa chọn của người Mỹ

Cập nhật: 12:14, 06/11/2024 (GMT+7)

Đông đảo công chúng quốc tế quan tâm tới diễn biến cuộc bầu cử Mỹ. Tôi và các đồng nghiệp cũng thường thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Không chỉ vì công việc chuyên môn, đây còn là mối quan tâm cá nhân.

Tính đến tháng 9 năm 2024, có hơn 186 triệu cử tri Mỹ đăng ký đi bỏ phiếu ở cấp bang. Cử tri Mỹ không trực tiếp bỏ phiếu bầu Tổng thống. Số phiếu phổ thông của cử tri được dùng để quyết định số lượng phiếu đại cử tri mà một ứng viên giành được, tổng cộng là 538 phiếu, được phân chia tương ứng với số nghị sĩ của mỗi bang trong Quốc hội Mỹ. Trừ hai bang Maine và Nebraska, 48 bang còn lại quy định ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất sẽ nhận được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Ứng viên nào giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành Tổng thống.

Bên cạnh vị trí Tổng thống, lá phiếu bầu cử năm nay còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng ở cấp bang và liên bang, trong đó có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống nhưng có tác động lớn đến chương trình nghị sự của chủ nhân Nhà Trắng bốn năm tiếp theo. Ở cấp bang, cử tri ở 41 bang sẽ bỏ phiếu để quyết định 159 vấn đề chính sách, bao gồm việc sửa đổi hiến pháp cấp bang. Trong đó, mười bang sẽ bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp liên quan đến quyền phá thai, tám bang bỏ phiếu để sửa đổi quy định bầu cử, ba bang bỏ phiếu để tăng lương tối thiểu và ba bang bỏ phiếu để quyết định vấn đề nghỉ ốm được hưởng lương. Đây đều là những vấn đề quan trọng của cử tri ở cấp bang mà liên bang không thể can thiệp.

Ở cấp liên bang, đợt bầu cử này cũng đồng thời bầu 34 ghế ở Thượng viện và toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện. Hiện tại, đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, nhưng cả hai đảng chỉ duy trì được một khoảng cách mong manh là hai ghế. Đảng nào thắng trong cuộc bầu cử này cũng sẽ tác động lớn tới quyền lực và thành tựu của Tổng thống, vì cả hai viện đều có khả năng thúc đẩy lẫn ngăn chặn chương trình nghị sự của chủ nhân Nhà Trắng.

Những vấn đề nội địa, đặc biệt là kinh tế, được cử tri quan tâm nhất. Một cuộc khảo sát của Pew Research Center vào tháng 9/2024 cho biết ba vấn đề mà người ủng hộ Trump và Harris quan tâm nhất là kinh tế, y tế và việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao. Liên quan đến đối ngoại, cử tri Mỹ chú ý đến vấn đề nhập cư và biến đổi khí hậu, vốn đều có tác động mạnh đến kinh tế và việc làm ở Mỹ. Tương tự, những quyết định đối ngoại có tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư, như các thỏa thuận thương mại, quan hệ chiến lược, cũng là một mối quan tâm của người Mỹ.

Nói như vậy nghĩa là cả hai ứng viên, cho dù có lập trường đối ngoại rất khác nhau, cũng đều hướng đến việc dùng chính sách đối ngoại để thúc đẩy các mục tiêu đối nội, đặc biệt là về kinh tế. Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump ở nhiệm kỳ đầu được nhiều chuyên gia mô tả là "khó đoán’ và "nặng tính giao dịch". Khó đoán là ở chỗ Trump thường xuyên có những thông điệp lẫn hành động thiếu nhất quán với cả đồng minh lẫn đối thủ, không tuân theo những quy ước ngoại giao thông thường.

Tính giao dịch thể hiện ở chỗ các quan hệ kinh tế đối với Trump chỉ đơn giản là vấn đề thặng dư hay thâm hụt. Và cách chính quyền Trump dùng để giải quyết vấn đề này là áp thuế quan không phân biệt đối tượng và loại hàng hóa, với lập luận là thuế quan vừa giúp hạn chế nhập khẩu vừa giúp tăng ngân sách.

Các chuyên gia kinh tế, bao gồm các kinh tế gia đoạt giải Nobel, không đồng ý với lập luận đơn giản đó. Nhưng chính quyền Trump sẽ tiếp tục chủ nghĩa bảo hộ của nhiệm kỳ đầu bằng cách tiếp tục những biện pháp cứng rắn như mức thuế quan chung, đơn phương lên đến 20% cho mọi loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, kể cả hàng hóa Việt Nam. Chính quyền Trump cũng có thể mở lại những cuộc điều tra căn cứ theo Mục 301 của Luật Thương mại Mỹ 1974 đối với mặt hàng gỗ và việc định giá tiền tệ của Việt Nam, nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ-Việt Nam (lên đến 114 tỷ USD năm 2022).

Trong quan hệ ngoại giao, chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu cũng xem quan hệ với các nước đồng minh và NATO là quan hệ dịch vụ, trả tiền để được hưởng. Người ủng hộ Trump cho rằng phong cách ngoại giao của Trump mang lại hiệu quả, nhưng thực tế là quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và đối tác chiến lược gặp nhiều thử thách và sẽ tiếp tục gặp không ít thách thức nếu Trump tái đắc cử.

Tuy chưa nêu rõ chính sách đối với Đông Nam Á, chính quyền Harris nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại như chính quyền Biden. Về mặt thương mại, thuế quan sẽ tiếp tục được áp dụng linh hoạt tùy ngành, tùy mặt hàng, kết hợp với chính sách tăng cường năng lực nội địa và hợp tác đa phương. Harris nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoàn thiện Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mà Việt Nam là một thành viên. Khuôn khổ này hướng đến việc tăng cường thương mại điện tử, củng cố các chuỗi cung ứng và phát triển năng lượng sạch.

Về mặt ngoại giao, Harris sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ chế song phương và đa phương, tăng cường hợp tác với mạng lưới đồng minh, đồng thời cũng mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược như ASEAN. Có thể nói, chính sách đối ngoại của Harris hướng đến sự ổn định lâu dài, do đó sẽ tương đối nhất quán và không có nhiều yếu tố "gây sốc".

Tuy có nhiều khác biệt, điểm chung liên quan đến Việt Nam là cả hai ứng viên đều nhận thức được tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn của Việt Nam trong khu vực. Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam mang lại lợi ích song phương, được cả lưỡng đảng ở Mỹ ủng hộ, dẫn đến việc nâng cấp lên quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023. Do đó ai là tổng thống cũng sẽ khó có thể gây phương hại lớn đến mối quan hệ chiến lược này.

Có thể chính quyền Trump sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều thử thách hơn. Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể biến thử thách thành cơ hội. Với một chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam có đủ kinh nghiệm và năng lực để vượt qua thách thức và tận dụng thời cơ. Một nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh Mỹ tăng cường bảo hộ thương mại, với sản lượng xuất khẩu các sản phẩm bị áp thuế quan tăng đến 40%.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thú vị thay, không chỉ khiến nước Mỹ chia rẽ, mà người dân Việt Nam cũng chia phe, tranh cãi, ủng hộ với những lập luận và góc nhìn riêng. Nhưng rốt cuộc, đây là lựa chọn của người Mỹ. Cho dù ai trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, Việt Nam cũng vẫn duy trì được đà phát triển.

Lâm Vũ

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không đại diện hoặc phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc.

Theo vnexpress.net


 

 

.
.
.