.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024, không chỉ trưng bày vũ khí

Cập nhật: 12:14, 21/12/2024 (GMT+7)

Các loại sản phẩm trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 thể hiện rõ quan điểm phòng thủ, tự vệ của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam.

Tọa lạc trên diện tích hơn 100 nghìn mét vuông ở sân bay Gia Lâm, Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 có hơn 400 gian hàng, của hơn 240 doanh nghiệp, đơn vị, với hàng nghìn sản phẩm, của tất cả các quân chủng, binh chủng. Số lượng sản phẩm kỳ này tăng hơn 20 lần so với triển lãm đầu tiên năm 2022. Nhiều vũ khí trang bị hiện đại “Made in Vietnam” lần đầu tiên được giới thiệu chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của Quân đội, công nghiệp quốc phòng.

b

Gian trưng bày của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. (Ảnh: Ngọc Anh)

Riêng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trưng bày hơn 80 loại sản phẩm công nghệ cao thuộc 10 ngành: Radar, khí tài quang - điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng… Trong đó có những loại tiên tiến như máy bay không người lái (UAV); tổ hợp trinh sát, gây nhiễu chống UAV; hệ thống tích hợp tự động hóa chỉ huy theo mô hình tác chiến hiện đại C5ISR…

Cùng với đó, nhiều loại vũ khí trang bị trong biên chế được các nhà máy quốc phòng đại tu, nâng cấp, tăng tổng niên hạn sử dụng, cải tiến, hiện đại hóa thành công. Một trong số đó là dòng máy bay tiêm kích Su-27, Su-30MK2…, với hơn 10 nghìn linh kiện. Việt Nam là một trong số vài nước làm chủ công nghệ đại tu các loại máy bay này. Đó là việc tích hợp, tự động hóa, hiện đại hóa tổ hợp Pháo phòng không VPK-57, nâng cao khả năng tác chiến chống phương tiện tiến công tầm thấp, UAV…

Triển lãm chứng tỏ công nghiệp quốc phòng đã làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến, chế tạo nhiều sản phẩm có tính năng tương đương hoặc trội hơn nước ngoài, giá thành hợp lý, bảo đảm tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; phù hợp với điều kiện Việt Nam và tác chiến hiện đại; góp phần phát triển kinh tế của đất nước.

Các loại sản phẩm trưng bày thể hiện rõ quan điểm phòng thủ, tự vệ của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; khả năng quản lý, làm chủ đất liền, vùng biển, vùng trời và không gian mạng của Tổ quốc. Sức mạnh quốc gia Việt Nam là sức mạnh tổng hợp trên tất cả các lĩnh vực, của toàn dân tộc, sức mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh thời đại.

Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí tiên tiến có vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu, nhưng người chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững, trình độ chiến, kỹ thuật giỏi, làm chủ công nghệ, tính tổ chức, kỷ luật nghiêm vẫn là nhân tố quyết định, như tư tưởng “người trước súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 80 năm.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 thu hút quan chức quốc phòng cấp cao nhiều nước, trong đó có các Bộ trưởng Quốc phòng, hơn 40 đoàn khách quốc tế, những doanh nghiệp quốc phòng lớn. Cường quốc quân sự như Nga, Mỹ cũng mang sản phẩm trưng bày. Trong thời gian ngắn, hàng chục bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng được ký kết. Đó là sự ghi nhận quốc tế đối với tiềm năng, vị thế, uy tín của đất nước, quân đội và công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

b

Trình diễn nghệ thuật tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 ngày 19/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngoài đại biểu các cơ quan, đơn vị toàn quân tham dự, hàng triệu người theo dõi buổi khai mạc triển lãm trên truyền hình, còn có nhiều nghìn người dân, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, cả ở những tỉnh xa về Hà Nội tham quan. Triển lãm mở thêm một ngày, nhưng chưa đủ thỏa mãn. Những khuôn mặt rạng rỡ, háo hức, thể hiện sự quan tâm, tự hào đối với quân đội, công nghiệp quốc phòng là minh chứng sinh động cho nền quốc phòng toàn dân Việt Nam.

Ban tổ chức rất tinh tế trong chương trình nghệ thuật chào mừng khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Chúng ta chiêm ngưỡng màn hát múa “Tre Việt Nam”, dân ca Quan họ Bắc Ninh, cồng chiêng, vũ điệu Tây Nguyên rồi tiếng trống, điệu nhạc dân tộc Chăm… Các làn điệu dân ca trên mọi miền đất nước hội tụ, làm êm dịu không gian chứa đầy sắt thép, vũ khí. Văn hóa dân tộc là một cội nguồn sức mạnh của nghệ thuật quân sự, nền quốc phòng Việt Nam.

Người Việt Nam mãi ghi tâm câu hát, “Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”. Thời bình, đất nước vẫn dành một phần nguồn lực sản xuất vũ khí trang bị để góp phần ngăn ngừa nguy cơ, sẵn sàng đối phó thắng lợi với xung đột, chiến tranh, nếu xảy ra.

Vô cùng ý nghĩa khi Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 tổ chức tại Hà Nội - "thành phố hòa bình", đúng vào thời điểm kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tại đây, thời khắc này, lịch sử vẻ vang, hiện tại mạnh mẽ hội tụ, hướng tới tương lai tươi sáng.

Tất cả khẳng định, Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 là một sự kiện quan trọng, không chỉ trưng bày vũ khí, mà chứa đựng những ý nghĩa, thông điệp quan trọng của đất nước, dân tộc và Quân đội.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.