.

Đòn bẩy để phát triển văn hóa

Cập nhật: 11:00, 30/11/2024 (GMT+7)

Quốc hội vừa phê duyệt nghị quyết đầu tư hơn 122.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030.

Đây là con số không nhỏ, được kỳ vọng là đòn bẩy để phát triển văn hóa. Theo chương trình này, đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có những bước đột phá rõ rệt với 100% tỉnh, thành phố có trung tâm văn hóa, 80% huyện có trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn. 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hằng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn...

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dễ thấy, đầu tư của Nhà nước lần này cho lĩnh vực văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, yêu cầu rõ ràng về những đóng góp trực tiếp của văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Quyết liệt tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống để văn hóa thực sự có thể nuôi được văn hóa, góp phần giúp văn hóa trở thành động lực tinh thần để phát triển xã hội.

Thế nhưng, đầu tư chưa phải là tất cả. Chúng ta mong muốn bảo tồn và phát triển văn hóa cuối cùng vẫn là để xây dựng nền tảng, góp phần phát triển con người Việt Nam. Những điều tưởng chừng đơn giản như văn hóa xếp hàng, tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh chung... mới góp phần tạo nên con người Việt Nam văn minh, hiện đại, hội nhập. Vì vậy, bên cạnh đầu tư tích cực, quyết liệt cho văn hóa, cần sự đồng bộ của cả giáo dục và pháp luật nghiêm minh. “Tam giác” này sẽ là đòn bẩy để phát triển văn hóa con người Việt Nam.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.