Bình đẳng là cơ sở xóa bỏ bạo lực về giới
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển cộng đồng, gia đình, được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Đây cũng chính là trọng tâm của công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ mà nước ta đang thực hiện.
BẠO LỰC GIỚI
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, không loại trừ Việt Nam, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Ảnh: NHƯ NGỌC |
Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả sự phát triển đất nước. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời, trong số đó tới 87% nạn nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Đây mới chỉ là con số thống kê về bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình, trong khi đó phụ nữ và bé gái có thể chịu các dạng bạo lực ở nhiều môi trường khác nhau, vì thế tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới trong thực tế sẽ cao hơn nhiều. Trong thời gian gần đây, qua các kênh thông tin đại chúng, nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng đã được phát hiện và đưa tin gây bức xúc dư luận, tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới hiện đang diễn ra, vì vậy đòi hỏi phải có những biện pháp can thiệp khẩn cấp và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ và hệ thống tư tưởng gia trưởng đề cao vai trò thống trị của nam giới. Phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân gia đình, bạo lực trên cơ sở giới rất khó được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, các quy tắc chuẩn mực, tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Do đó, mặc dù về mặt pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, song trên thực tế vị thế của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi xã hội về giới còn phổ biến.
Mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như các biện pháp can thiệp được đánh giá tương đối tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy vẫn còn tồn tại những khoảng trống trong chính sách và trong các chương trình can thiệp đang được triển khai.
NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ
Tổng kết 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho thấy hiện nay một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp dẫn tới những hạn chế về điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ. Cụ thể các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tế, một số quy định hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cũng như chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện quy định lồng ghép giới đạt kết quả chưa cao… Về cơ chế thì vấn đề nổi cộm lên là tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm... của cán bộ, công chức nữ.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Tiền Giang vẫn còn một số vấn đề hạn chế như cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, có nơi cán bộ chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giới và bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên còn lúng túng trong việc tham mưu triển khai thực hiện mục tiêu, kế hoạch về lĩnh vực bình đẳng giới; kinh phí dành cho hoạt động về bình đẳng giới có được quan tâm nhưng còn hạn hẹp, từ đó ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới có thực hiện nhưng chưa thường xuyên và thường thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của ngành, số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị. Tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân. Mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa cao, do vậy, việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội còn có những hạn chế nhất định…
Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh xác định, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và bản thân người phụ nữ, nam giới tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới. Song song đó, cần có sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác bình đẳng giới luôn đóng vai trò then chốt.
Sự tham gia tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành là tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới. Việc hình thành và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới và duy trì tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ là cần thiết để tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cần phải gắn chặt chẽ với thực hiện bình đẳng giới và phải được coi như là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì mới thực sự đem lại hiệu quả trên thực tế.
MAI HÀ