Thứ Hai, 28/08/2023, 09:59 (GMT+7)
.

Phòng chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm không của riêng ai

“Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày nay vẫn là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh. Vì thế, Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với phòng, chống BLGĐ” với mong muốn tiếp tục nêu vấn đề, cùng thảo luận giải pháp chấm dứt BLGĐ trên cơ sở giới…”, đó là ý kiến đề dẫn của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến tại buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 25-8.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực; trong đó đổi mới hình thức, chú trọng nội dung tuyên truyền ngay từ cơ sở được coi là giải pháp hiệu quả; lên tiếng và cùng hành động trong phòng, chống BLGĐ.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều hoạt động tham mưu, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); ngành VHTT&DL, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, hội thi… về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với phòng, chống BLGĐ” ngày 25-8.
Quang cảnh buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với phòng, chống BLGĐ” ngày 25-8.

Cùng với đó, duy trì, nâng chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”…; phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cung cấp và tăng cường tuyên truyền các văn bản có liên quan về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới; gương gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc đăng tải trên các phương tiện thông tin, đài truyền thanh của huyện. Trong đó, có xây dựng kịch bản tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa để chuyển tải các nội dung về BLGĐ một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ đến người dân.

Bên cạnh đó, các CLB, đội nhóm khi sinh hoạt, tuyên truyền còn xây dựng các tình huống liên quan đến BLGĐ và đưa ra các phương án giải quyết, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn huyện Gò Công Đông hiện có 86 CLB “Gia đình phát triển bền vững” và Đội phòng, chống BLGĐ do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện quản lý, hướng dẫn hoạt động.

Các CLB duy trì sinh hoạt, đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân, nhất là quan tâm đến việc tiếp cận của các nhóm người yếu thế, người khuyết tật. Tăng cường tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương, nhân rộng những gương điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng và thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gò Công Đông, kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình thực hiện hiệu quả bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ tại Gò Công Đông không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật, mà việc thực hiện bình đẳng giới còn gắn liền với công tác xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ; tích cực điều tra, xử lý nghiêm trách nhiệm người gây bạo lực;  đặc biệt là phải trợ giúp hiệu quả đối với nạn nhân bị BLGĐ.

LÊN TIẾNG VÀ HÀNH ĐỘNG ĐỂ XÓA BỎ BLGĐ

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với phòng, chống BLGĐ” đã có nhiều tham luận chia sẻ, đề xuất các giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình; trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng các mô hình cụ thể để can thiệp, ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; xây dựng các thiết chế gia đình bền vững, các quy ước nhằm hạn chế các mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột trong từng gia đình, tạo dựng hình ảnh gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển bền vững; mạnh dạn lên tiếng và cùng hành động để xóa bỏ BLGĐ…

Tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với phòng, chống BLGĐ”, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thị Mỹ Nương nhấn mạnh: Thời gian tới, để công tác phòng, chống BLGĐ ngày càng đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng tăng cường, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những tình huống thực tế để dễ dàng đưa thông tin Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới… đến gần với người dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống BLGĐ tại cơ sở.

Qua gần 6 năm hoạt động, Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đã hòa giải 15 vụ việc liên quan đến BLGĐ, tư vấn trợ giúp trên 17 phụ nữ gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Năm 2019, chị B.T.P., quê tỉnh Bến Tre theo chồng về làm dâu tại xã Bình Nhì, bị gia đình chồng đánh, gây thương tích và bị mẹ chồng đuổi 3 mẹ con chị P. ra khỏi nhà. Phát hiện vụ việc, Hội LHPN xã Bình Nhì phối hợp Công an xã, lãnh đạo ấp nơi chị P. sinh sống đã kịp thời xác minh vụ việc, hỗ trợ 3 mẹ con chị. Đồng thời, các ngành đã phối hợp động viên, giúp chị P. giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Cán bộ công chức văn hóa xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho Châu Văn Công cho rằng: Ngày nay người dân trên địa bàn xã không còn e ngại, che giấu hành vi BLGĐ như trước, mà đã có nhiều chị em mạnh dạn viết đơn hoặc đến gặp và trình bày trực tiếp với Hội LHPN xã hoặc các ngành liên quan như Công an, Tư pháp.

Do vậy, người tiếp nhận thông tin kịp thời, tìm hiểu nhanh để nắm rõ nguyên nhân vụ việc, từ đó tiếp cận phân tích “cái lý, cái tình” trong những tình huống cụ thể nhằm thuyết phục các bên hòa giải và đi đến kết quả tốt nhất. Điển hình như gia đình của một phụ nữ ở ấp Bình Thành, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà dẫn đến cãi nhau, rồi chồng đánh vợ. Do đó, người vợ đến gặp trực tiếp Hội LHPN xã nhờ hỗ trợ giúp đỡ và hiện nay gia đình của người phụ nữ này đã không còn mâu thuẫn.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cai Lậy, nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp; triển khai hiệu quả các mô hình, CLB “Gia đình phát triển bền vững”, Đội phòng, chống BLGĐ, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, Tổ “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”…; tuyên truyền người dân, gia đình mạnh dạn lên tiếng, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến BLGĐ. Từ đó, các tệ nạn về xã hội và BLGĐ được kéo giảm, cụ thể năm 2014 huyện Cai Lậy có 31 vụ việc liên quan đến BLGĐ, kể từ năm 2019 đến nay không có trường hợp vi phạm về BLGĐ.

MỸ PHƯƠNG

 

.
.
.