.

Nghĩ ngay đến sốt xuất huyết khi sốt cao kéo dài

Cập nhật: 09:50, 05/07/2018 (GMT+7)

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do vi rút gây ra. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Do đó, phòng bệnh SXH là giải pháp tối ưu nhất. Triệu chứng nhận biết đầu tiên của bệnh là sốt. Chính vì vậy, khi bắt đầu có dấu hiệu sốt, người bệnh không nên chủ quan mà phải được theo dõi để phát hiện bệnh kịp thời.

Truyền thông kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi bệnh SXH.
Truyền thông kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi bệnh SXH.

Theo bác sĩ Võ Thành Nhơn, khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng sốt chứ không chỉ riêng bệnh SXH, đơn cử như sốt siêu vi cũng gây sốt cao dữ dội. Tuy nhiên, trong vùng có dịch SXH, khi có biểu hiện sốt thì mọi người hãy nghĩ ngay đến bệnh SXH để theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện nay, test nhanh để phát hiện bệnh SXH đã phổ cập tại các cơ sở y tế và được thực hiện dễ dàng. Khi sốt cao 390C - 400C kéo dài đến ngày thứ 2 - 3 mà không rõ nguyên nhân và nếu kèm theo trạng thái mệt mỏi, li bì, đau đầu, nhức cơ khớp... thì phải nhanh chóng đi khám ngay, bởi đây là dấu hiệu điển hình của bệnh SXH. Người bệnh cần đến cơ sở y tế làm các xét nghiệm SXH. Theo diễn biến của bệnh SXH, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh nên bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Trong thời gian theo dõi tại nhà, người bệnh SXH cần được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Khi bệnh nhân sốt cao trên 38,50C thì phải dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của thầy thuốc. Nếu còn sốt cao thì tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ sốt nhưng không uống quá 4 lần/ngày vì có thể gây độc với gan. Đặc biệt, không cho người bệnh dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen, bởi có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết.

Bên cạnh dùng thuốc, cần cho người bệnh SXH nằm nghỉ ngơi chỗ thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi và chườm mát khi sốt cao; đồng thời, cho người bệnh uống đủ nước, có thể dùng nước có chất điện giải như: Oresol, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng pha với muối. Về chế độ ăn, người bệnh SXH nên ăn thức ăn nấu chín, mềm, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ. Trong giai đoạn có sốt, người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn và hạn chế đi lại.

Trong suốt giai đoạn có sốt, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, cần theo dõi sát người bệnh nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy cơ bệnh diễn biến nặng để đưa người bệnh nhập viện điều trị ngay. Đối với SXH, thường sang ngày thứ 4, người bệnh sẽ giảm sốt rõ rệt nhưng đây lại là giai đoạn bệnh dễ xuất hiện biến chứng nguy hiểm mà đã có không ít người rất chủ quan. Có 5 dấu hiệu cảnh báo người bệnh SXH gặp nguy hiểm cần lưu ý: Người bệnh có cảm giác bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; nôn tăng; đau bụng hoặc tăng cảm giác đau; tiểu ít, số lần đi tiểu ít hơn và số lượng nước tiểu cũng giảm hơn; xuất huyết.

Ngành Y tế cũng lưu ý những trường hợp có cơ địa đặc biệt như: Phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 1 tuổi, người béo phì, người cao tuổi; người mắc các bệnh mạn tính kèm theo tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim... khi mắc SXH cần phải nhập viện để được điều trị thích hợp. Vì đây là những đối tượng nếu mắc bệnh SXH thì sẽ có biến chứng rất cao.

Bác sĩ Võ Thành Nhơn cho biết, hiện nay, việc chăm sóc người bệnh SXH tại nhà vẫn tồn tại những sai lầm nguy hiểm cần tránh gồm: Tùy tiện dùng thuốc hạ sốt; không tiếp xúc vì sợ lây bệnh; kiêng tắm, kiêng ăn; tự ý truyền dịch; tự ý dùng kháng sinh... Những sai lầm này không chỉ có thể gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh mà còn dễ dẫn đến tử vong.

SXH là bệnh cấp tính do vi rút gây ra và lây truyền do muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa nên việc không để muỗi đốt truyền bệnh là rất quan trọng.Tuy nhiên, việc phòng ngừa SXH cần có ý thức chung của mọi người, mọi nhà. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp để muỗi không có điều kiện tồn tại và phát triển như: Phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm gần nhà, không để nước mưa ứ đọng, đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không có chỗ sinh sản, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, thông thoáng cho muỗi không có nơi cư trú...

MAI HÀ

.
.
.