.

Bảo hiểm y tế đem cơ hội điều trị mới cho người nhiễm HIV

Cập nhật: 14:43, 18/03/2019 (GMT+7)

(ABO) Sở Y tế vừa tổ chức trao thuốc kháng vi rút (ARV) từ quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho 20 người nhiễm HIV đầu tiên. Từ nay BHYT chính thức thanh toán chi phí điều trị cho người nhiễm HIV như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác. Đây là cơ hội để người nhiễm HIV được điều trị sau khi các nguồn thuốc ARV viện trợ chấm dứt.

Lãnh đạo Sở Y tế trao thuốc ARV từ Quỹ BHYT cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật
Lãnh đạo Sở Y tế trao thuốc ARV từ Quỹ BHYT cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Thuốc ARV được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch.

Theo báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành Y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguồn thuốc ARV tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân
Nguồn thuốc ARV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

Mặc dù điều trị bằng ARV sớm có lợi ích rất lớn như vậy nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 50% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV.

Tại Việt Nam, từ năm 2004 cũng đã áp dụng điều trị HIV bằng thuốc ARV và phần lớn nguồn thuốc ARV (có giai đoạn chiếm đến khoảng 95%) được chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế tài trợ. Theo lộ trình, các tổ chức quốc tế đã cắt giảm và kết thúc tài trợ thuốc vào cuối năm 2018.

Theo các quy định hiện hành, trẻ em dưới sáu tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%...

Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: Khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi yêu cầu điều trị ARV là liên tục và suốt đời.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thuốc ARV từ năm 2019 được quỹ BHYT thanh toán cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Người nhiễm HIV không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cho việc khám, chữa bệnh.

Ước tính trung bình tổng chi phí cho người nhiễm HIV điều trị phác đồ bậc 1 là 5 triệu đồng mỗi năm và phác đồ bậc 2 là 18 triệu đồng mỗi năm.

Trong khi đó, phần lớn người nhiễm HIV tại Tiền Giang đều thuộc nhóm dễ tổn thương. Do đó, nếu không có BHYT họ sẽ không có khả năng thanh toán chi phí dẫn đến bỏ điều trị, gây tình trạng kháng thuốc và thất bại điều trị.

Bệnh nhân buộc phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn; đồng thời, làm gia tăng sự lây lan HIV ra cộng đồng. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững cho việc duy trì điều trị.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật được trang bị thiết bị thiết yếu đáp ứng yêu cầu xét nghiệm tầm soát  HIV
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được trang bị thiết bị thiết yếu đáp ứng yêu cầu xét nghiệm tầm soát HIV.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở huyện Cái Bè vào năm 1990. Đến nay, 172/173 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh có người dương tính với HIV.

Ghi nhận đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 5.000 người nhiễm HIV, trong đó người có hộ khẩu trong tỉnh khoảng 3.000 người, còn lại là người ngoài tỉnh; trên 1.700 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 1.000 người đã tử vong do AIDS.

Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, xu hướng dịch của Tiền Giang vẫn trong giai đoạn tập trung. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay số người nhiễm HIV phát hiện mới hằng năm ở mức cao, khoảng 200 ca/ năm.

Tính đến cuối năm 2018, tổng số bệnh nhân nhiễm HIV được khám và quản lý điều trị trên địa bàn tỉnh là 1.477 người, trong đó 1.182 người có thẻ BHYT.

Trong số bệnh nhân có BHYT có 217 người diện BHYT thanh toán 100%, 53 người được thanh toán 95% và 912 người được thanh toán 80%.

Vì vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ty, chủ động tham gia BHYT ngay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình.  

THỦY HÀ

 

 

 

.
.
.