.

Người thứ hai trên thế giới chữa khỏi HIV

Cập nhật: 21:13, 05/03/2019 (GMT+7)

Nhận tế bào gốc của người có đột biến gene kháng HIV, nam bệnh nhân ở Anh không còn dấu vết của virus.

Người đàn ông nhiễm HIV có biệt danh "bệnh nhân London" đã trở thành trường hợp thứ hai trên thế giới khỏi HIV, Reuters đưa tin.

Sau gần ba năm nhận tế bào gốc tủy xương từ người hiến tặng, sức khỏe bệnh nhân vẫn ổn định. (Ảnh minh họa: The Stream).
Sau gần ba năm nhận tế bào gốc tủy xương từ người hiến tặng, sức khỏe bệnh nhân vẫn ổn định. (Ảnh minh họa: The Stream).

"Chúng tôi không đo được chút virus nào, cũng chẳng phát hiện được gì", giáo sư Ravindra Gupta từ Đại học Cambridge, nhà nghiên cứu HIV dẫn đầu đội ngũ bác sĩ phụ trách ca bệnh trên tiết lộ.

Kể lại quá trình điều trị, giáo sư Gupta cho biết "bệnh nhân London" nhiễm HIV từ năm 2003. Năm 2012, anh này được chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin, một dạng ung thư máu.

Năm 2016, tình trạng ung thư của bệnh nhân trở nặng, đội ngũ y tế quyết định dùng đến phương án ghép tủy. "Đó là cơ hội sống cuối cùng của anh ấy", giáo sư Gupta nói.

Người hiến tặng giấu tên không quan hệ huyết thống với bệnh nhân và sở hữu đột biến gene CCR5 delta 32 có khả năng chống lại HIV.

Ca ghép tủy diễn ra tốt đẹp, song bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ như hiện tượng mảnh ghép chống lại vật chủ (graft-versus-host). May mắn, tình trạng này không kéo dài.

Sau gần ba năm nhận tế bào gốc tủy xương từ người hiến tặng và 18 tháng không dùng thuốc kháng virus, sức khỏe "bệnh nhân London" vẫn ổn định. Các xét nghiệm cho thấy cơ thể anh không còn dấu vết HIV.

Trước "bệnh nhân London", Timothy Brown - người được mệnh "bệnh nhân Berlin" cũng khỏi HIV nhờ phương pháp điều trị tương tự.

Giáo sư Gupta lưu ý còn quá sớm để khẳng định hai bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn. Ông cho rằng nên sử dụng cụm từ "khỏi về mặt chức năng" hoặc "đang thuyên giảm".

Bên cạnh đó, hầu hết chuyên gia nhận định CCR5 delta 32 không thể trở thành phương pháp điều trị cho tất cả bệnh nhân HIV bởi phương pháp này rất đắt tiền, phức tạp và nguy hiểm.

Để ghép tủy thành công, bệnh nhân phải tìm được người hiến tặng phù hợp mà chỉ một số ít cá nhân, chủ yếu có gốc gác Bắc Âu, mới sở hữu đột biến CCR5.

Tuy vậy, câu chuyện của "bệnh nhân London" chứng tỏ nhân loại có thể đẩy lùi HIV/AIDS trong tương lai.

"Chúng ta chưa chữa khỏi HIV song kết quả này cho phép chúng ta hy vọng về một ngày loại bỏ hoàn toàn virus", bà Sharon Lewin, đồng chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế nhận định.

(Theo VNE)

.
.
.