.
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24-3:

Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

Cập nhật: 11:34, 23/03/2019 (GMT+7)

(ABO) Ngày 26-9-2018 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên hiệp quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Chủ đề của Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay (24-3) là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.

GÁNH NẶNG BỆNH TẬT

Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 về gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao.

70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi
Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và có mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu của WHO. Tỷ lệ tử vong do lao của cả nước là 13.000 người, tương đương 14 người/100.000 dân.

Lao mới mắc các thể là 126.000 người, tương đương 133 người/100.000 dân. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới là 4,1%. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân điều trị lại là 26%. Tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV là 78%.

Tại Tiền Giang, tỷ lệ bệnh nhân lao mới thu nhận tương đương 66 người/100.000 dân. Tỷ lệ bệnh nhân lao các thể thu nhận năm qua là 2.074 người, tương đương 117 người/100.000 dân.

Tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân lao là 73 người, tương đương 4 người/100.000 dân; tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới là 2,06%; tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân điều trị lại là 24,3%; tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV là 69,3%. 

Lao là căn bệnh có thể phòng ngừa cũng như có thể chữa khỏi nhưng việc điều trị không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Đối với những bệnh nhân mắc lao bình thường thì thời gian điều trị mất 6 tháng, riêng đối với những bệnh nhân lao kháng đa thuốc thời gian điều trị phải đến 20 tháng với chi phí rất lớn.

NỖ LỰC THU DUNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, lao kháng thuốc là vấn đề nóng trong công tác phòng chống và loại trừ bệnh lao hiện nay. Tiền Giang bắt đầu triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc từ tháng 8-2013. Hoạt động khám, phát hiện, thu dung, điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc được duy trì thường xuyên tại bệnh viện thời gian qua. Hằng năm bệnh viện đều tiếp nhận thêm bệnh nhân lao kháng thuốc mới.

Tầm soát bệnh lao qua chẩn đoán hình ảnh
Tầm soát bệnh lao qua chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ Lộc cho biết thêm, trong thực tế, người lành mang vi trùng lao rất nhiều ngoài cộng đồng. Bình thường, một bệnh nhân lao xét nghiệm đàm dương tính có khả năng lây bệnh cho 20 người. Nguyên nhân là do quá trình người mắc bệnh lao kháng thuốc không được phát hiện điều trị, qua tiếp xúc sẽ góp phần lây nhiễm lao kháng thuốc cho cộng đồng.

Ngoài ra, còn có những trường hợp lao kháng thuốc thứ phát do thất bại công thức điều trị trước đó, khả năng lây nhiễm cho người khác cũng nguy hiểm. Ngoài việc tăng cường phòng, chống lao ở cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần hiểu và thực hiện các giải pháp phòng bệnh, tầm soát bệnh lao nếu có biểu hiện nghi ngờ để điều trị sớm, giảm lây lan ngoài cộng đồng.

Năm 2018, Chương trình chống lao tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% huyện, thị, thành phố và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Tỉnh mở rộng triển khai hoạt động chống lao kháng thuốc. Trong năm 2018 mở rộng xét nghiệm GeneXpert cho đối tượng bệnh nhân mới, số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc phát hiện là 65 người, thu nhận điều trị 61 người, đạt 93,8% kế hoạch năm.

So với bệnh nhân năm 2017, bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới giảm 0,3%, lao các thể giảm 4,2%. Có một đặc điểm đáng lưu ý là tỷ lệ bệnh nhân lao mới và tái phát ở nam cao gấp 3 lần so nữ và nhóm tuổi mắc bệnh lao cao nhất ở nhóm tuổi lao động từ 25 - 55 tuổi.

Kiểm tra chức năng phổi của bệnh nhân lao
Kiểm tra chức năng phổi của bệnh nhân lao.

Tỷ lệ điều trị khỏi của bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới là 93,3%, tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 3,6%, đạt chỉ tiêu chương trình chống lao tỉnh đã đề ra. Tỷ lệ âm hóa đàm sau 2 - 3 tháng đối với bệnh lao phổi có băng chứng vi khuẩn học mới là 95,01% dương tính 2,81%, không xét nghiệm 2,18%.

Tổng số bệnh nhân lao kháng đa thuốc thu nhận từ tháng 8-2013 đến tháng 2-2019 là 259 người. Trong đó có 146 bệnh nhân lao kháng thuốc đủ thời gian đánh giá điều trị xong. Kết quả 114 bệnh nhân điều trị khỏi, đạt 78%; 15 bệnh nhân bỏ điều trị; 14 bệnh nhân chết và 2 bệnh nhân điều trị thất bại.

Những số liệu này cho thấy hoạt động điều trị lao tại Tiền Giang đã được duy trì tốt với tỷ lệ điều trị khỏi cao, hoạt động chống lao đạt được kết quả tốt đẹp, hoàn thành những chỉ tiêu đề ra, hướng đến việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống lao thành công và bền vững.

Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay và những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Việt Nam cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng, chống lao để phát hiện sớm và tất cả mọi trường hợp bị lao, điều trị khỏi tất cả các thể lao, cắt đứt nguồn lây, chấm dứt bệnh lao.

MAI HÀ

 

.
.
.