.

Bộ Y tế: Cẩn trọng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp

Cập nhật: 09:53, 12/06/2019 (GMT+7)

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này tại bệnh viện đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản B. Các trường hợp mắc bệnh đều trong tình trạng nặng, với nhiều di chứng.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào.

Các bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Các bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Đó là các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể ghi nhận số mắc gia tăng do các nguyên nhân khách quan: biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động, giao lưu quốc tế và trong nước rộng rãi.

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã nhằm cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã.

Nhiều trẻ mắc viêm não Nhật Bản

Phó giáo sư Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đến thời điểm này tại bệnh viện đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản B. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, sống ở khu vực phía Bắc.

Về tình trạng bệnh, hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sỹ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao.

Đặc biệt, thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… Đáng chú ý, 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm não.

Phó giáo sư Trần Minh Điển phân tích, mùa viêm não ở miền Bắc được xác định là từ tháng Tư đến tháng Sáu hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Cụ thể, Bệnh viêm não Nhật Bản với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%...

Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí một ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn là bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau. Vì vậy, trẻ em chưa tiêm chủng cần tiêm phòng viêm não Nhật Bản.

Sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thời gian qua số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng bất thường, mưa nhiều khiến cho bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng cũng làm cho các bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản B... đều có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch trước rồi đến chữa bệnh. Về công tác điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh tránh chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bỏ sót ca bệnh nặng, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị... để giảm quá tải và lây nhiễm chéo cho người bệnh, không để quá tải gây hoang mang dư luận.

“Nếu bệnh nhân bị nhẹ thì phải chuyển xuống bệnh viện tuyến quận, huyện thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày. Đã có quá nhiều bài học từ các năm trước, bệnh viện đã không có chỗ mà bệnh nhân cứ nằm la liệt không kể bị nặng hay nhẹ. Điều này gây quá tải và đẩy áp lực lớn lên ngành y và chính các bệnh viện,” người đứng đầu ngành y tế phân tích.

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các bệnh đã có vắcxin phòng bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản… thì người dân cần thiết phải tiêm vắcxin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9).

Đại diện Cục Y tế Dự phòng cho hay, các bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017, tuy nhiên số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…
Bộ Y tế đối khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng.

(Theo TTXVN)

.
.
.