11.000 trạm y tế: Những 'bỏ ngỏ' về năng lực của đội ngũ bác sỹ
Theo thống kê của Bộ Y tế, hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã, phường có hơn 11.000 trạm y tế xã.
Người dân chờ khám bệnh tại Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, trạm y tế xã-y tế cơ sở được xem như là “người gác cổng” trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân cần phải được phát huy các thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất ở tuyến y tế này vẫn còn nhiều khúc mắc phải tháo gỡ.
Nhân lực tại trạm y tế xã rất yếu
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân và đây chính là nền tảng nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Qua khảo sát thực tế tại nhiều tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh…, người đứng đầu ngành y tế đã trực tiếp thị phạm và thấy được một số bất cập về cơ sở vật chất tại các trạm y tế như bố trí phòng ốc chưa hợp lý, chưa sử dụng hết công năng của các phòng gây lãng phí và bất cập lớn ở tuyến xã.
Đơn cử, tại một số trạm y tế xã ở Ninh Bình và Hà Nam, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nhiều, phòng khám bệnh rất đông người bệnh nhưng chật chội, chỉ có một phòng. Trong khi đó, các phòng phục vụ cho công tác sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ít dùng đang gây ra một sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất.
Khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy năng lực của đội ngũ y bác sỹ tại trạm y tế xã rất yếu, nhiều trường hợp không thể chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường như ỉa chảy, nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em, dấu hiệu nguy hiểm trong thai nghén, cấp cứu ngộ độc, tăng huyết áp. Một số kiến thức và kỹ năng về chăm sóc không được cập nhật thường xuyên với các khuyến cáo chuyên môn mới dẫn đến lạc hậu trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị.
Theo Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tại một số tỉnh, 38% cán bộ y tế cho biết không có cơ hội được đào tạo ngắn hạn/dài hạn; điều kiện làm việc khó khăn (26% bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã đánh giá là cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn), thiếu kinh phí cho hoạt động chuyên môn, cơ chế tài chính không khuyến khích cán bộ y tế làm việc hiệu quả, khả năng làm việc nhóm hạn chế.
Tuy nhiên hiện nay, tuyến y tế xã vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ. Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.
Khó khăn cơ chế tài chính ở cấp cơ sở
Có thể khẳng định, y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hiện nay, mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến tận xã ngày càng được củng cố và hoàn thiện với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm. Hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sỹ làm việc.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đang đẩy mạnh y tế cơ sở, đặc biệt là mô hình 26 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ khó khăn lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay là cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp cơ sở. Ngoài ra, mô hình công-tư vẫn chưa được thực hiện hợp lý, hiệu quả.
Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này. Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục.
Nghị quyết cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.”
Do vậy, việc triển khai mô hình thí điểm tại 26 xã điểm có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã.
(Theo TTXVN)