Phòng, chống sốt xuất huyết phải là việc làm hằng ngày
Phát biểu tại buổi giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè) và TX. Cai Lậy vào chiều 10-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng chỉ đạo các địa phương những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH; trong đó nhấn mạnh vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, tác động nhằm giúp người dân nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng, chống dịch bệnh SXH là việc làm thường xuyên hằng ngày, không phải làm theo phong trào, chiến dịch.
Đồng chí Trần Văn Dũng giám sát công tác diệt lăng quăng tại hộ dân ở thị trấn Cái Bè sau Chiến dịch. |
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu ngành Y tế phải thực hiện tốt 2 nhiệm vụ điều trị và dự phòng. Hệ điều trị phải đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn vững trong điều trị SXH và cơ số thuốc phục vụ nhu cầu điều trị. Tuyến tỉnh hỗ trợ cho tuyến huyện về chuyên môn, tiếp nhận đúng và điều trị kịp thời người bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Hệ dự phòng phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch nhỏ ngay khi phát hiện để bệnh SXH không lây lan trên diện rộng.
Thị trấn Cái Bè và TX. Cai Lậy là những địa bàn có dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, với tỷ lệ ca mắc SXH tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể như TX. Cai Lậy ghi nhận 322 ca mắc SXH, tăng 329%. Còn thị trấn Cái Bè, tính đến ngày 5-9 ghi nhận 62 ca mắc SXH và 10 ổ dịch SXH. Bên cạnh đó, theo kết quả ghi nhận của đoàn kiểm tra, chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn tại khu phố 2 của thị trấn Cái Bè là 92, cao hơn gần 5 lần so với chỉ số nguy cơ bùng phát dịch SXH.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch SXH, thị trấn Cái Bè và ngành Y tế đã triển khai Chiến dịch “Diệt lăng quăng” đợt 3 năm 2019 (gọi tắt là Chiến dịch) từ ngày 5 đến 8-9.
Chiến dịch được thực hiện đồng loạt tại 4 khu phố của thị trấn. Theo đó, UBND thị trấn Cái Bè chỉ đạo lực lượng tham gia Chiến dịch phải đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân biết về dịch bệnh SXH; đồng thời, thông tin về các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng. Cùng với đó, yêu cầu gia đình các hộ dân thực hiện ngay việc loại bỏ các ổ chứa lăng quăng như: Các vật phế thải còn ít nước; đậy kín hoặc thả cá bảy màu vào các vật chứa nước có lăng quăng… Hướng dẫn người dân tiếp tục dọn dẹp vệ sinh môi trường những ngày tiếp theo sau Chiến dịch.
Cùng với vận động nhân dân diệt lăng quăng, tối 9-9, ngành Y tế huyện Cái Bè phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành phun thuốc diệt muỗi, dập dịch SXH trên diện rộng tại 4.000 hộ dân ở khu phố 1, 2, 3 và 4 của thị trấn Cái Bè. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giám sát thực địa phun thuốc diệt muỗi, dập dịch SXH ở thị trấn Cái Bè cho biết, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như đảm bảo hiệu quả của việc phun thuốc diệt muỗi, ngành Y tế đã hướng dẫn người dân mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ để không khí lưu thông; đồng thời, che đậy kỹ càng thực phẩm, đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp gọn gàng đồ dùng, di chuyển vật nuôi ra khỏi nơi phun thuốc.
Bên cạnh đó, người dân cần ra khỏi nhà và khu vực phun thuốc ít nhất 30 phút để thuốc khô và tránh hít phải hơi thuốc. Sau khi phun thuốc, người dân cần lau dọn lại nhà cửa, đồ dùng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối; sau đó các hoạt động sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường.
Thực hiện theo đúng quy trình phun thuốc diệt muỗi, dập dịch SXH của Bộ Y tế, thì sau 7 ngày của đợt phun thuốc diệt muỗi lần này, thị trấn Cái Bè sẽ tiếp tục phun thuốc lần 2. Kết quả kiểm tra sau khi triển khai thực hiện Chiến dịch tại thị trấn Cái Bè, chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng của thị trấn đã giảm sâu từ 92 xuống còn 14. Đây là tín hiệu không còn nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH ở thị trấn Cái Bè.
THỦY HÀ - THANH HOÀNG