Que test HIV bị cắt sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm
Trên que test HIV được phủ đều các khoáng thể để test nhanh virus đặc hiệu. Que bị cắt đôi khiến nồng độ kháng thể giảm, ảnh hưởng kết quả.
Đây là ý kiến của một bác sĩ không muốn nêu tên, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Theo bác sĩ này, cấu tạo của que xét nghiệm nhanh có các đường thẳng ngang, trên đó phủ đều các loại kháng thể gồm: labeled antibody, primary antibody, secondary antibody.
"Que xét nghiệm nguyên vẹn, nồng độ các kháng thể đầy đủ đảm bảo cho kết quả xét nghiệm có độ chính xác cao. Với que thử bị cắt dọc, nồng độ kháng thể sẽ giảm đi một nửa làm cho độ chính xác của kết quả xét nghiệm cũng giảm", bác sĩ này cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09, cũng có ý kiến tương tự. Bệnh viện 09 là trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện, chuyên chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có hoàn cảnh đặc biệt. Bác sĩ Hưng cho rằng quy trình xét nghiệm HIV bằng các sinh phẩm cần đảm bảo theo nguyên tắc, sinh phẩm sàng lọc có độ nhạy cao, đặc hiệu.
"Chưa kết luận được chính xác độ sai lệch của kết quả xét nghiệm nếu dùng que test bị cắt, tuy nhiên hành vi cắt que thử nghiệm là vi phạm quy tắc nghề y, lương y của bác sĩ", bác sĩ Hưng nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, cho rằng: "để làm ra một chiếc que test, nhà sản xuất đã phải cân đo, thử nghiệm đến hàng nghìn, hàng vạn mẫu mới có kết quả".
Các chuyên gia đều cho rằng hiện nay công nghệ xét nghiệm các loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV và viêm gan B có những sự tiến bộ vượt bậc. Xét nghiệm nhanh hay còn gọi là "rapid test" được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao. Trong đó que xét nghiệm HIV nhanh Ora Quick HIV-1/2 có độ nhạy 99%, độ đặc hiệu 100%.
Theo bác sĩ Hưng, trước đây bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng, còn hiện nay dựa vào yếu tố cận lâm sàng như kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Khi kết quả xét nghiệm đúng, bác sĩ có chẩn đoán sơ bộ đúng hướng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Trên thực tế các que test đều có xác suất nhất định về âm tính giả và dương tính giả. Ví dụ hàm lượng ma túy không đủ trong nước tiểu thì không đủ để hiển thị chỉ thị màu bệnh lý, khiến bác sĩ không phát hiện được tình trạng bệnh. Hoặc, que thử có độ nhạy quá cao có thể dẫn đến kết quả dương tính giả do bệnh nhân sử dụng các chất kích thích tương tự.
Do đó, sử dụng kết quả của que test nhanh HIV có ý nghĩa sàng lọc và đánh giá bước đầu để bác sĩ lựa chọn đưa bệnh nhân vào nhóm điều trị, theo dõi hay tiến hành thêm xét nghiệm khác chứ không phải quyết định cuối cùng. Riêng bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm bệnh, bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm 2-3 lần để so sánh tại những thời điểm khác nhau. Nhân viên y tế khi thực hiện quy trình xét nghiệm phải đảm bảo đúng quy định của nhà sản xuất và đúng quy chuẩn, tránh chẩn đoán sai cho người bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng.
(Theo vnexpress.net)