.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu

Cập nhật: 15:36, 17/02/2020 (GMT+7)

Ngày 14-2, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi cho ý kiến về việc học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại, đã nhấn mạnh “Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ, mà còn phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm.

Theo Phó Thủ tướng, chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho học sinh đi học trở lại ngay. Còn khi các em đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành Giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của phụ huynh, của xã hội. Tuy nhiên, những điều đó không thể so sánh được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân. Bởi những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài những yếu tố mang tính chuyên môn, cũng phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân.

Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Trước đó, ngày 5-2, trong phiên họp của Chính phủ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, trước thực tế dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 14-2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch bệnh Covid-19. Công văn nêu rõ: Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2-2020. Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành.

Ngày 15-2, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn đầu, đến thăm và làm việc tại Tiền Giang. Tại đây, Bộ trưởng cho biết, sở dĩ lãnh đạo Bộ có công văn đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch bệnh Covid-19 đến hết tháng 2, là vì thực tế cho thấy, diễn biến của dịch bệnh hiện nay vẫn còn hết sức phức tạp, vì vậy cần lấy biện pháp phòng, ngừa là chính; các sở GD-ĐT trong thời gian này tiếp tục cho các đơn vị trường học vệ sinh bàn ghế, phun thuốc tiệt trùng, theo dõi các thông tin về dịch bệnh; các địa phương cũng cần thống nhất chung trong việc cho học sinh nghỉ học, tránh địa phương này nghỉ địa phương khác lại cho học sinh đi học.

Tinh thần của toàn ngành Giáo dục là không được chủ quan, lơ là, cũng như không quá lo lắng. Bộ trưởng mong rằng, toàn ngành Giáo dục sẽ thống nhất cao về chủ trương cũng như kế hoạch trong việc phòng, chống dịch bệnh. Trên tinh thần chung, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo thống nhất lùi thời gian kết thúc năm học. Ngày 15-2, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký chấp thuận kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 2-2020.

NHƯ NGỌC

.
.
.