.
GHI NHẬN VIỆC THỰC HIỆN ĐEO KHẨU TRANG NƠI CÔNG CỘNG:

Ý thức tốt, nhưng nên chọn khẩu trang như thế nào?

Cập nhật: 20:26, 18/03/2020 (GMT+7)

Theo Thông báo 98 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 16-3 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng có tập trung đông người. Tình hình thực hiện của người dân Tiền Giang trong những ngày qua ra sao?

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc đeo khẩu trang được người dân thực hiện nghiêm túc.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc đeo khẩu trang được người dân thực hiện nghiêm túc.

CÁC CƠ SỞ Y TẾ THỰC HIỆN NGHIÊM

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16-3 thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực tế tại Tiền Giang, phần đông người dân đến các cơ sở y tế đều đeo khẩu trang theo khuyến cáo. Khuyến cáo này không làm người dân bất ngờ hay gặp khó khăn.

Từ ngày 16-3, các bệnh viện thực hiện nghiêm khuyến cáo. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, người dân khi đến bệnh viện nếu không đeo khẩu trang sẽ được lực lượng bảo vệ ngăn lại để thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, hướng dẫn người dân đến các điểm mua khẩu trang để đeo trước khi vào bệnh viện. TS - BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện cho biết, các cửa hàng đều bán khẩu trang vải. Tại khu khám theo yêu cầu còn bán khẩu trang đã giặt ủi, đóng túi và khẩu trang chưa giặt để bán cho người dân tùy theo yêu cầu, giá bán không thay đổi. Nhìn chung, người dân đã được truyền thông và ý thức thực hiện việc đeo khẩu trang rất tốt.

Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước, người dân thực hiện việc đeo khẩu trang khi đến khám, chữa bệnh rất tốt. Chị Lê Thị Kim Chi, ở xã Tân Hòa Tây, cho biết: “Tôi đã thực hiện đeo khẩu trang khi tới bệnh viện từ 2 tháng trước, khi có truyền thông về dịch bệnh này. Loại khẩu trang tôi đang sử dụng là khẩu trang vải thông thường. “Tôi không mua được khẩu trang y tế nên sử dụng khẩu trang vải. Nếu mua được khẩu trang y tế đeo vô bệnh viện thì an tâm hơn. Về quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-3, tôi mới được biết và sẽ thực hiện, không có gì bất tiện” - chị Kim Chi chia sẻ. 

Ngày 17-3, UBND tỉnh có Công văn 1119 về việc đeo khẩu trang trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người (siêu thị, sân bay, bến tàu, bến xe; bộ phận giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân tại các cơ quan hành chính Nhà nước; trên các phương tiện công cộng…).

M.T

Không yên tâm với khẩu trang vải, nhiều người đã đi tìm mua khẩu trang kháng khuẩn, đặc biệt là khẩu trang y tế bởi sự tiện lợi, an tâm và... dễ thở, nhưng khó mua được. Chị Nguyễn Thị Ô ở huyện Cai Lậy, đang nuôi người thân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết, đã nhờ người thân đi khắp các nhà thuốc gần bệnh viện nhưng không có khẩu trang y tế để mua, nên buộc lòng phải dùng khẩu trang vải thông thường.

Nhìn chung, đeo khẩu trang nơi công cộng đã được người dân thực hiện khá tốt, đặc biệt là khi đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi tập trung đông người (siêu thị, bến xe, bộ phận giải quyết thủ tục)việc thực hiện đeo khẩu trang của người dân còn chưa nghiêm.

NÊN ĐEO KHẨU TRANG GÌ?

Theo Bác sĩ CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện tại nguồn cung ứng khẩu trang y tế rất hạn chế, do nhu cầu nhiều, trong khi năng lực sản xuất của doanh nghiệp có hạn. Tình trạng khan hàng này một phần là do rất nhiều người cùng đổ xô mua và sử dụng khẩu trang y tế. Trong khi đó, đã gọi là khẩu trang y tế thì có nghĩa là chỉ nên sử dụng khi làm việc liên quan đến y tế. Chẳng hạn như, nhân viên y tế đến công tác tại cơ sở y tế, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người đến cơ sở y tế và những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường hô hấp… Trong điều kiện thông thường hay đến nơi đông người, đeo khẩu trang vải thông thường vẫn tốt; đeo khẩu trang y tế mọi lúc, mọi nơi là sự lãng phí không cần thiết.
Khẩu trang y tế không thể tái sử dụng, sau khi thay phải bỏ vào thùng rác có nắp đậy và tiêu hủy để tránh mầm bệnh phát tán ra môi trường. Khẩu trang vải sau khi thay có thể giặt sạch bằng xà bông diệt khuẩn, phơi khô dưới nắng và tái sử dụng.

Mang khẩu trang đúng cách là che được mũi, che miệng, chỉ chỉnh sửa bằng tay 1 lần ngay sau khi đeo và tránh chạm tay vào bề mặt ngoài của khẩu trang. Khẩu trang ướt phải thay liền, vì khi ẩm sẽ có khả năng bám bụi, bắt virus cao hơn.

Không thể nói phải thay khẩu trang sau 10 phút/lần hay bao nhiêu phút như nhiều người vẫn đặt câu hỏi, mà tùy vào điều kiện cụ thể. Chẳng hạn như, nếu đi vào và tiếp xúc trong những môi trường nghi ngờ có mầm bệnh thì sau đó phải thay liền, sau khi thay khẩu trang phải rửa tay liền.

Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung cấp khẩu trang cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo giao Sở Công thương chịu trách nhiệm. Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá khẩu trang theo quy định.

THỦY HÀ

.
.
.